Sửa đổi, bổ sung các luật về cai nghiện ma túy: Từ chính sách đến thực tiễn Ngày đăng: 17/12/2019
Ngày 16⁄12⁄2019, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy”. Tham dự, có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; đại diện Sở Y tế, Công an thành phố Hà Nội; lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chi cục⁄Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy của 17 tỉnh, thành phố.

Những kết quả đạt được

Báo cáo tóm tắt đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi căn bản chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy. Theo đó áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; tổ chức cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc; khuyến khích cá nhân, gia đình, thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện".

Từ năm 2000 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống ma túy trong đó cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm. Để bảo đảm nguồn lực thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy, cả nước đã hình thành được hệ thống cơ quan chuyên trách PCTNXH ở địa phương. Nguồn kinh phí cho công tác cai nghiện, phục hồi trên cả nước được quan tâm đầu tư thường xuyên. Đặc biệt, từ 2016-2020, Chương trình phát triển hệ thống trợ giúp xã hội hỗ trợ 600 tỷ đồng cho 38 tỉnh, thành phố để chuyển đổi các cơ sở cai nghiện. Mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện ma túy được quan tâm quy hoạch từng bước phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập; 35 điểm tư vấn tại cộng đồng, thực hiện chức năng tư vấn, cai nghiện (một số điểm tư vấn đã tham gia cấp phát Methadone tại tuyến xã có hiệu quả); 15 cơ sở cai nghiện tự nguyện ngoài công lập được cấp phép đang hoạt động, quy mô tiếp nhận thấp nhất 20 học viên (Cơ sở Bạch Đằng), cao nhất trên 300 học viên (Trung tâm Thanh Đa).

Nhìn chung, các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã tích cực phối hợp trong thi hành pháp luật về cai nghiện phục hồi. Giai đoạn từ 2009 - 2016, cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho 2.677 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.

Về cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT): Giai đoạn 2009 - 2018, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người. Giai đoạn 2017 – 2018, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người. Đồng thời, các CSCNMT công lập cũng tích cực thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện. Hàng năm, tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người. Bên cạnh đó, bình quân hàng năm các CSCNMT tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập  cũng đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập và Phó Cục trưởng Lê Văn Khánh chủ trì Hội thảo

Bất cập từ chính sách, pháp luật

Mặc dù, đạt được những kết quả nêu trên song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định, cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.

Luật XLVPHC còn quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định.

Luật Phòng, chống ma túy giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, mà cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp mang tính hình thức, không hiệu quả, nhiều địa phương không thực hiện.

Quy định về quản lý sau cai tại CSCNMT theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 là hình thức, kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc, nhưng lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, điều này chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, những năm gần đây ma túy tổng hợp và nhiều chất hướng thần khác xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều, có độc tính cao, việc xác định tình trạng nghiện rất khó khăn, nhiều loại ma túy chưa có phương pháp, công cụ xác định.

Những trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác thì việc xác định nơi cư trú ổn định của họ là rất khó khăn. Đồng thời, khi xác định được nơi cư trú thì việc bàn giao theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính là bất khả thi đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (về thẩm quyền, về nhân lực, phương tiện, tài chính).

Điều 131, Luật XLVPHC quy định giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định là không khả thi, bởi hiện nay không có tổ chức xã hội nào có đủ cơ sở vật chất, nhân sự để quản lý người nghiện. Cũng do những vướng mắc của Luật phòng, chống ma túy và Luật XLVPHC nên việc áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn và việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật từ năm 2015 đến nay chưa giải quyết triệt để được những tồn tại trên.

Ông Lương Chí Cường, Phó GĐ Sở LĐTBXH Phú Thọ phát biểu ý kiến

Sửa đổi, bổ sung các luật về lĩnh vực cai nghiện ma túy là cần thiết

Tại Hội thảo, một vấn đề ‘nóng’ được các đại biểu thảo luận là vấn đề người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đây là “khoảng trống” trong chính sách, pháp luật về cai nghiện hiện nay.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, tại  Khoản 1, Điều 96, Luật XLVPHC quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy tử đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này đối với nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 29, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: “Người nghiện ma túy tử đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”. Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này thì không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Vì vậy, để quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật nói chung, người nghiện ma túy nói riêng, tránh sót lọt, trùng dẫm đối tượng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy theo hướng: chỉ quy định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và được xác định là người nghiện ma túy đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ nên thực hiện các biện pháp cai nghiện kết hợp với quản lý, giáo dục họ tại cộng động, gia đình hoặc cai nghiện tự nguyện nhưng vẫn phải có sự giám sát, tư vấn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội và trách nhiệm của cộng đồng đối với nhóm người này.

Đồng tình với ý kiến trên, các địa phương đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 96 Luật nghiện ma túy đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên; và điều chỉnh quy định người nghiện từ đủ 12 tuổi trở lên cai nghiện tại CSCNMT vì hiện nay từ thực tiễn gia đình có con em nghiện các chất gây nghiện có nhu cầu muốn được cai nghiện ở Cơ sở nhưng không đủ điều kiện.

Còn theo đại diện công an TP. Hà Nội, cần quy định, hướng dẫn cụ thể về biện pháp quản lý, cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (nội dung này chưa được điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật). Bên cạnh đó, đề nghị đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vào điều chỉnh của Luật Hình sự (chế tài nghiêm khắc hơn để ngăn chặn, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội); quy định về chế tài xử lý đối với các trường hợp người nghiện, gia đình người nghiện không khai báo về tình trạng nghiện ma túy.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu dự hội thảo. Cục trưởng cho biết, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đã đi vào cuộc sống và được đổi mới toàn diện từ nhận thức đến tổ chức triển khai, đa dạng hóa các mô hình. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắng những vấn đề còn bất cập trong một số văn bản pháp luật và khó khăn trong thực tiễn.

Vì vậy, thời gian tới, Cục PCTNXH tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý, Luật XLVPHC về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý; đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách về dự phòng nghiện và cai nghiện ma tuý theo chuẩn quốc tế có hiệu quả, đảm bảo quyền con người, an sinh xã hội và trật tự, an toàn xã hội vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững./.

Như Ngọc