Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm việc tại tỉnh Kon Tum Ngày đăng: 08/11/2019
Ngày 07⁄11⁄2019, tại tỉnh Kon Tum, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG), do ông Đoàn Hữu Bảy, Ủy viên thư ký, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã ( Văn phòng Chính phủ) làm trưởng đoàn, đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tham gia Đoàn công tác có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc.

Đoàn công tác kiểm tra về công tác triển khai các văn bản chỉ đạo, tình hình và kết quả triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS; công tác phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm; công tác thống kê, quản lý người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; tổ chức cai nghiện ma túy và bảo đảm kinh phí cho các hoạt động tại địa phương cơ sở.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, công tác cai nghiện đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần cai nghiện tự nguyện; công tác tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để điều trị, cắt cơn và phân loại đã được thực hiện tương đối tốt, việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã thực hiện nghiêm theo luật, bảo đảm quyền công dân. Ngoài ma túy dạng thuốc phiện, heroin đã có phương pháp điều trị thay thế, tuy nhiên đối với các loại ma túy tổng hợp mới, chưa có các phác đồ dự phòng và điều trị. Người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hiểu biết của người sử dụng ma túy; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả, việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Hiện, tỉnh Kon Tum chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, do đó, người nghiện sẽ được gửi vào cơ sở tư vấn và cai nghiện của tỉnh Gia Lai.

Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn do những bất cập của quy định pháp luật, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác xác định tình trạng nghiện chưa đáp ứng yêu cầu nên đa số người nghiện vẫn ở tại gia đình và cộng đồng.

Kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga đề nghị Trung ương, quan tâm, hỗ trợ địa phương về vấn đề đấu tranh, triệt phá các vụ việc mua bán, sản xuất ma túy, nhất là khu vực biên giới, gây hậu quả lớn. Ngoài ra, tệ nạn mại dâm ngày càng hoạt động tinh vi hơn, khó nắm bắt xử lý. Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn, gây khó tiếp cận các dịch vụ can thiệp, hỗ trợ. Có chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, hỗ trợ các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

Ông Đoàn Hữu Bẩy, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi với các ban, ngành của địa phương, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập ghi nhận kết quả đã đạt được của tỉnh. Đồng thời, đánh giá cao kết quả hoạt động tập huấn của Sở Y tế đã tổ chức cho cán bộ y tế các cấp về xác định tình trạng nghiện cho đối tượng.

Địa bàn Kon Tum giáp biên giới 3 nước, công tác kiểm soát tội phạm ma túy rất phức tạp. Tỉnh có 484 người nghiện có hồ sơ quản lý (xếp thứ 60/63, thuộc nhóm 4); trong thời gian tới tiếp tục điều tra, nắm số liệu đầy đủ hơn để làm tốt công tác quản lý xã hội. Trong 05 năm qua, tỉnh mới chỉ làm hồ sơ đưa 01 người vào cai nghiện bắt buộc (tại Gia Lai) nên các ngành cần quan tâm, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện để có biện pháp xử lý theo quy định với người nghiện ma túy. Một điểm đáng lưu ý, hiện nay nhiều đối tượng đang điều trị thay thế bằng methadone mà vẫn sử dụng các loại ma túy khác.

Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn những bất cập, khó khăn, thời gian tới các bộ, ngành sẽ tham mưu sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Về đề xuất xây dựng Cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, Cục trưởng Nguyễn Xuân lập cho biết, Kon Tum là 1 trong 3 tỉnh trong cả nước chưa có cơ sở điều trị, cai nghiện bắt buộc. Theo Quyết định 1460/QĐ- TTg quy hoạch về mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy trong toàn quốc, Kon Tum không có quy hoạch cơ sở cai nghiện. Bộ Lao động – TBXH đã tham mưu đưa Kon Tum vào danh mục 38 tỉnh cần được hỗ trợ đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng khu vực riêng quản lý đối tượng có sử dụng ma túy tại cơ sở BTXH của tỉnh. Tỉnh cần chủ động xây dựng đề án xây dựng cơ sở này.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về công tác phòng, chống ma túy về các định hướng trong thời gian tới. Tỉnh cần quan tâm triển khai, trong đó có lưu ý ưu tiên điều trị cai nghiện tập trung.

Về công tác phòng, chống mại dâm, số đối tượng tham gia hoạt động mua bán dâm trong tỉnh thấp, không có điểm nóng về vấn đề mại dâm. Tuy nhiên, tình hình vấn đề mại dâm sẽ phức tạp hơn. Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cần thực hiện đúng quy định pháp luật, theo nguyên tắc tôn trọng quyền con người; kiên quyết đấu tranh với các vấn đề môi giới, bóc lột mại dâm. Tăng cường các biện pháp can thiệp, giảm hại, tuyên truyền, vận động để phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng tham gia bán dâm. Thành lập và duy trì các nhóm đồng đẳng, CLB của nhóm đối tượng tham gia bán dâm để nắm tình hình và triển khai các chính sách tốt hơn.

Về công tác phòng, chống mua bán người, tỉnh cũng cần tích cực tuyên truyền tốt để hạn chế thấp nhất vấn đề mua bán người qua biên giới, bao gồm cả các hình thức môi giới thông qua hoạt động du lịch, mang thai hộ, đẻ thuê, mua bán các bộ phận cơ thể người,…

Kết luận buổi làm việc, ông Đoàn Hữu Bảy, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh, vấn đề phòng, chống tội phạm ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm.

Đối với tỉnh Kom Tum, tuy còn khó khăn, địa bàn dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, 53% dân tộc thiểu số nhưng đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội như thành lập Ban chỉ đạo (lồng ghép với các Ban chỉ đạo khác), cơ bản tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; kết quả điều trị methadone đạt 96%, cao hơn tình hình chung của toàn quốc. Tuy nhiên, tỉnh cần tăng cường rà soát lại việc trồng cây cần sa, làm tốt việc quản lý người nghiện ma túy, nhất là nghiện ma túy tổng hợp, tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và di dân tự do. Chủ động trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, cả vấn đề các tụ điểm sản xuất ma túy. Ngoài ra, cần dự báo vấn đề tệ nạn mại dâm tại các điểm du lịch trong thời gian tới.

Số người nghiện có xu hướng tăng, nếu năm 2014, Kon Tum có 214 người nghiện (xếp thứ 63/63 tỉnh) thì đến năm 2019, đã có 484 người (xếp 60/36). Việc thu phí với người điều trị methadone để nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối tượng. Các cơ quan chức nắng cấn lưu ý vấn đề người nghiện sử dụng “kép” nhiều loại ma túy, người điều trị methadone vẫn sử dụng loại ma túy khác.

Về hỗ trợ xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, chủ trương là không đầu tư mới, nhưng có thể nâng cấp, lồng ghép vào cơ sở của ngành y tế hoặc lao động - tỉnh cần có đề xuất, chỉ đạo cụ thể để đưa người nghiện bị xử lý hành chính vào cơ sở riêng biệt, đặc biệt, kiểm soát nhóm đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và đang điều trị thay thế bằng methadone.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, thời gian tới, Kon Tum tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị 36-CT/TW, Nghị quyết 30 của Chính phủ, Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Quốc hội, trong đó, tập trung nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội. Tỉnh cần ban hành kế hoạch/chương trình cụ thể về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong đó, chú trọng quan tâm đến công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đầu tư cho cơ sở cai nghiện ma túy./.

Như Ngọc