Kết quả 3 năm thực hiện Đề án phòng, chống ma túy trên địa bàn quận Thanh Khê Ngày đăng: 30/10/2019
Ngày 29-10, Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA⁄QU của Quận ủy Thanh Khê về phòng, chống ma túy trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp, hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tinh vi. Sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp, chất gây nghiện mới dần thay thế cho ma túy truyền thống núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau đã gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý của các lực lượng chức năng. Điều này làm gia tăng tình hình sử dụng trái phép trên địa bàn quận. Thống kê cho thấy, số người sử dụng trái phép ma túy tăng qua từng năm.

Tính đến ngày 15-9-2019, toàn quận có 688 người nghiện, tăng 79 người so với năm 2018; số đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện, trại tạm giữ, tạm giam, thi hành án tù là 115 người. "Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2020, giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quận xuống dưới 15% tổng số lượt người bị phát hiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, số người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ngoài địa bàn quận có dấu hiệu gia tăng theo từng năm. Một số mục tiêu trong Đề án đã đạt được, đó là, giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên (dưới 30 tuổi); giảm tỷ lệ người tái nghiện, giảm tỷ lệ tái phạm tội đối với người cư trú trên địa bàn…", Thượng tá Trần Văn Tám- Trưởng Công an quận Thanh Khê nhìn nhận.

Trong 3 năm qua, Công an quận Thanh Khê đã phát hiện tổng cộng 180 vụ liên quan đến ma túy, bắt giữ 243 đối tượng, thu giữ gần 40 gram heroin, gần 1.700 viên ma túy tổng hợp, gần 43 gram cần sa cùng nhiều tang vật có liên quan khác.

Hàng năm, Quận ủy Thanh Khê đều chỉ đạo Công an quận phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát người sau cai nghiện. Qua đó kịp thời động viên những cá nhân tích cực tái hòa nhập cộng đồng, quan tâm hỗ trợ những nhu cầu chính đáng về việc học tập, việc làm. Trong 3 năm, có 933 lượt đối tượng được giáo dục, giúp đỡ và đã công nhận tiến bộ 583 lượt đối tượng và hiện đang tiếp tục giáo dục, giúp đỡ 135 đối tượng khác; hỗ trợ 50 người cai nghiện thành công từ đủ 5 năm trở lên với mức kinh phí 10 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, quận Thanh Khê cũng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy, nhân rộng các khu dân cư lành mạnh không có tội phạm và tệ nạn ma túy với việc xây dựng mới 3 mô hình và tiếp tục duy trì 18 mô hình liên quan đến phòng, chống ma túy. Trong đó có nhiều mô hình phát huy hiệu quả như mô hình "CLB chủ nhà nghỉ, khách sạn phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội" của P. Thanh Khê Đông; "Vùng giáo 3 không" của P.Tam Thuận; "3 liên kết, 3 trách nhiệm", "CLB hướng thiện" của P.Vĩnh Trung; "5+1", "1 hướng, 2 quản, 3 tự giác" của P.Hòa Khê… Trên địa bàn quận hiện nay đã có 506/589 tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn ma túy…

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Trần Mưu cho rằng, dự báo trong các năm tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng, tiềm ẩn những yếu tố khó lường với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, sự trẻ hóa về độ tuổi của đối tượng sử dụng ma túy. Tình hình tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần sẽ gia tăng với quy mô, tính chất, địa bàn hoạt động và phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Điều đó sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như đấu tranh phòng, chống của các lực lượng chức năng. "Đề án 03 của Quận ủy Thanh Khê đã đặt ra một chiến lược lâu dài trong cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách để cấp ủy, chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị và các lực lượng chức năng thực thi với trách nhiệm cao nhất, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn cũng như tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, xã hội".

Từ cách nhìn nhận đó, Đại tá Trần Mưu đã gợi mở một số việc cần làm trong thời gian tới để Đề án đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là, tập trung tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại ma túy trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Riêng lực lượng Công an, Đại tá Trần Mưu yêu cầu công an quận Thanh Khê và công an các phường tăng cường công tác tuần tra kiểm soát; quản lý tốt địa bàn, đối tượng; thường xuyên rà soát, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng sau cai để có biện pháp ngăn chặn, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy. "Lực lượng công an phải tập trung đấu tranh mạnh, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa đối với tội phạm ma túy bằng bất cứ giá nào. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thực sự có đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ lực trong thực thi nhiệm vụ. Có như vậy mới đảm bảo cho Đề án đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần giữ gìn tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn", Đại tá Trần Mưu nhấn mạnh./.

Theo Phương Kiếm