Tọa đàm chuyên gia về ma túy tổng hợp và điều trị nghiện ma túy Ngày đăng: 17/10/2019
Sáng 15⁄10, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia về ma túy tổng hợp và điều trị nghiện ma túy. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/ thành phố; đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; đại diện một số bộ ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có quan tâm đến vấn đề này.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong nêu rõ, mục tiêu của Toạ đàm là tạo diễn đàn để các đại biểu trao đổi thông tin, thảo luận về ma túy tổng hợp và kinh nghiệm quốc tế trong điều trị nghiện ma túy, khả năng áp dụng các kinh nghiệm của quốc tế tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Ủy ban về các vấn đề Xã hội sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến ma túy, nhất là trong bối cảnh dự kiến Luật Phòng, chống ma túy sẽ sớm được sửa đổi, bổ sung.

Năm 2000, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước có 47 địa phương có số người nghiện tăng. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện. Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến. Theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải phòng và TPHCM cho thấy có 40% người nghiện heroin có sử dụng ma túy tổng hợp và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số sử dụng ma túy tổng hợp. Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Hiện nay, toàn quốc có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế cho hơn 54.000 người cai nghiện; hiện tại đang điều trị cai nghiện cho hơn 38.000 nghìn người. Cả nước có khoảng 53.000 người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tuy nhiên, công tác cai nghiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập; nhiều địa phương còn chưa cân đối được nguồn lực và chưa bố trí được kinh phí phù hợp cho công tác cai nghiện. Do đó, công tác cai nghiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trao đổi tại buổi Toạ đàm, ông Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Uỷ viên Thư ký Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho rằng, các chuyên gia cần làm rõ một số vấn đề như: Ma tuý tổng hợp có gây nghiện hay không để giải thích thuật ngữ "nghiện ma tuý tổng hợp" và có chính sách pháp luật về nghiện ma tuý tổng hợp; Cai nghiện có khác điều trị nghiện hay không để đưa vào sửa Luật phòng, chống ma tuý (chương về cai nghiện). Hiện nay Nghị định 90 về điều trị nghiện bằng thuốc Methadone lại căn cứ vào luật phòng chống HIV/AIDS chứ không phải Luật phòng, chống ma tuý. 

Ts. Nicole Lee, chuyên gia về điều trị nghiện đến từ tổ chức Egde360, đã cung cấp cho các đại biểu thông tin tổng quan về ma túy tổng hợp và kinh nghiệm thực hiện tại đất nước Úc trong điều trị nghiện ma túy; Ts. Bs. Laurent Michel, Giám đốc Trung tâm Điều trị Nghiện Rượu và Ma túy (Trung tâm Pierre Nicole) nói về kinh nghiệm tổ chức chương trình điều trị nghiện tại Pháp. Bs. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) cũng đã có những chia sẻ về việc xây dựng chương trình giúp người nghiện ma túy hồi phục. Trong đó, đề cập đến kết quả nghiên cứu “Nguồn gốc của nghiện” và liên hệ đến ảnh hưởng của các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu lên nguy cơ sử dụng ma túy.

Theo Ts.John Hamilton, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Liberation, bang Connecticut, Hoa Kỳ, khi xây dựng chương trình điều trị cần dựa trên những hiểu biết như: Vì sao người nghiện sử dụng ma túy: yếu tố xã hội, sinh-y học; Vì sao ma túy gây nghiện: yếu tố sinh - y học, xã hội, môi trường, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu; Căng thẳng làm tăng nguy cơ sử dụng; Nghiện thay đổi não bộ người sử dụng: cảm thấy khó chịu nếu không có ma túy; Càng bắt đầu sử dụng ma túy sớm thì não bộ càng bị ảnh hưởng nhiều; Não bộ có thể khôi phục nhưng cần đủ thời gian; Hồi phục: giải quyết nguyên nhân gây ra nghiện + hồi phục từ các hậu quả của nghiện + xây dựng cuộc sống mới trên nền quá khứ nghiện; Hồi phục thường là quá trình dài và không bằng phẳng...

Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đề nghị Việt Nam cần nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về điều trị ma túy, đặc biệt là những vận dụng phù hợp với đặc điểm thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, ngành y tế cần tăng cường việc kiểm soát bệnh tật, đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó, tập trung vào phổ biến các quy định hiện hành về công tác phòng, chống ma túy; lịch sử, ý nghĩa Ngày thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy. Đặc biệt nhấn mạnh đến tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ), cần sa, bóng cười…; biện pháp phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây án. Tăng cường chỉ đạo cơ sở điều trị Methadone tiếp tục thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, gia đình và nhà trường trong tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong tuổi trẻ học đường hiện nay như: Vấn đề cần thiết phải tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế cho học sinh vào các Cơ sở cai nghiện ma túy; sự phối hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường; tình hình phát triển phức tạp, tinh vi của các loại ma túy mới, tốc độ cập nhật thông tin về các loại hình ma túy hiện nay còn chậm, chưa bắt kịp với tình hình thực tế; sự nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong môi trường học đường./.

D.T (Nguồn: quochoi.vn)