Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo Công ước CEDAW Ngày đăng: 24/09/2019
Sáng ngày 24⁄9⁄2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo Công ước CEDAW. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp” tại Việt Nam (EUJULE). Tham dự và chủ trì Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, bà Catherine Phương – Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP và ông Tom Corrie – Tham tán thứ nhất Ban hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đông đảo phóng viên báo chí.

Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) là Công ước nhân quyền cơ bản của Liên hợp quốc mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các quy định của Công ước CEDAW và đảm bảo việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Công ước đối với Liên hợp quốc. Năm 2019, theo yêu cầu của Ủy ban CEDAW của Liên hợp quốc, Việt Nam phải thực hiện báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 9 về Công ước này. Theo đó, Ủy ban CEDAW đặc biệt khuyến nghị về việc tăng cường quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ phù hợp với quy định của Công ước CEDAW. Tập trung vào quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ sẽ giúp tăng quyền cho phụ nữ, trang bị những biện pháp hiệu quả để phụ nữ thực hiện các quyền hợp pháp của mình để được đối xử bình đẳng trong mọi bình diện của cuộc sống. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao là cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ 9 về Công ước CEDAW. Với sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam, Bộ đã tổ chức một nhóm nghiên cứu độc lập tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật có liên quan và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật này để đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo việc thực thi tốt hơn quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo quy định của Công ước CEDAW.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: "Quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với quy định của Công ước CEDAW và ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, một loạt các văn bản pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý.... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế các quy định này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là những khó khăn về nguồn lực, năng lực thực thi của hệ thống bao gồm cả hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp và các cơ chế, thiết chế bổ trợ tư pháp và định kiến về vấn đề giới trong xã hội”.

Thứ trưởng Hà cho biết, Hội thảo nhằm lắng nghe các ý kiến của đại biểu đối với quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ và những đóng góp về giải pháp để giải quyết căn cơ những tồn tại, thách thức đối với quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ nói riêng và quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ nói chung.

Thứ trưởng nhấn mạnh, những ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo rất có ý nghĩa và đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện, chỉnh sửa dự thảo Báo cáo lần thứ 9 để trình lên Ủy ban CEDAW.

Chia sẻ thông tin về sự cần thiết và mục đích xây dựng báo cáo nghiên cứu về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo quy định của Công ước CEDAW, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những sự tiến bộ to lớn trong việc cải cách hệ thống luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng về giới. Tuy nhiên, phụ nữ tiếp tục đối mặt với những bất lợi trong nhiều lĩnh vực của xã hội, bao gồm cả các bất lợi khi tham gia vào hệ thống tư pháp. Việc triển khai thực hiện trên thực tế các quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mục đích của việc xây dựng báo cáo là phân tích khung pháp luật hiện hành với trọng tâm là khuôn khổ pháp luật về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ; thu thập dữ liệu và đánh giá thực trạng thực hiện quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ tại Việt Nam theo yêu cầu của CEDAW và các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW; xác định các thách thức từ thực tiễn thi hành pháp luật, các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để vượt qua các thách thức cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện việc tiếp cận tư pháp của phụ nữ tại Việt Nam; cung cấp các thông tin cập nhật cho Báo cáo quốc gia lần thứ 9 về pháp luật và thực hiện pháp luật về tiếp cận tư pháp của phụ nữ trong quá trình thực hiện CEDAW”.

Một số khuyến nghị được nêu tại Hội thảo gồm có: Ưu tiên quy trình tư pháp thông qua trung gian, hòa giải, nâng cao nhận thức của những người đứng đầu cộng đồng, cán bộ thực thi pháp luật, luật sư, bộ máy tư pháp để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận tư pháp; xây dựng đề án trợ giúp pháp lý toàn diện với khung thời gian và cơ chế giám sát rõ ràng, phù hợp với nguyên tắc và hướng dẫn của UN về tiếp cận trợ giúp pháp lý; nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ và hiểu biết pháp luật; hình sự hóa mọi hành vi bạo lực đối với phụ nữ; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để ngăn ngừa và đối phó với mọi hình thức bạo lực với phụ nữ, phân bổ nguồn lực về con người, kỹ thuật, tài chính để thực hiện hiệu quả kế hoạch; khuyến khích phụ nữ trình báo các vụ việc bạo lực, lạm dụng; đảm bảo nạn nhân tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ bao gồm cả trợ giúp pháp lý, chăm sóc y tế, tâm lý, nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và kế sinh nhai miễn phí...

Đối chiếu với 6 tiêu chí của hệ thống tư pháp đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo các khuyến nghị của CEDAW năm 2015 bao gồm: tính tài phán, tính sẵn có, tính dễ tiếp cận, chất lượng tốt, có các biện pháp đền bù (bồi thường) thỏa đáng và trách nhiệm giải trình cao, có thể thấy hệ thống tư pháp, bổ trợ tư pháp của Việt Nam hiện nay tuy còn những hạn chế nhưng đã và đang được xây dựng, hoàn thiện nhằm tiệm cận gần hơn với các chuẩn mực chung trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa cụ thể của đất nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng Báo cáo đã tập trung nhận diện, phân tích các rào cản tiếp cận tư pháp của phụ nữ nhìn từ cả 03 góc độ: Rào cản do chính nhận thức và năng lực của phụ nữ trong việc thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; rào cản do nhận thức, năng lực và hành động của các cơ quan tư pháp trong khi thi hành các nhiệm vụ hiến định nhằm thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhóm phụ nữ yếu thế; rào cản do nhận thức và năng lực, ý thức trách nhiệm xã hội của các luật sư, các trợ giúp viên pháp lý trong khi thực hiện chức năng tư vấn hỗ trợ người dân, đặc biệt những người yếu thế về hiểu biết pháp luật và về cách sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Những rào cản được nhận diện đúng với nguyên nhân sâu xa sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thúc đẩy tiếp cận tư pháp của phụ nữ ở Việt Nam theo hướng bình đẳng thực chất và hiệu lực, hiệu quả hơn.

Sau Hội thảo, dự thảo Báo cáo này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện cũng như cung cấp được các số liệu đáng tin cậy về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ, góp phần phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Quốc gia lần thứ 9 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.                             

Kim Dung