Nghiên cứu đặc điểm tội phạm cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy và giải pháp phòng ngừa Ngày đăng: 01/08/2014
Trong thời gian qua, tình trạng cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tương đối phổ biến. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy: có tới trên 70% số người nghiện ma túy được hỏi đã trả lời nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc họ sử dụng ma túy là do bị lôi kéo, rủ rê và đối tượng đã cưỡng bức, lôi kéo họ có đặc điểm chung là:

- Phần lớn đều là nam giới và không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định.

- Đều có quan hệ với người bị cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy (bạn bè, người thân hoặc quan hệ trong công việc) và đều có những hiểu biết nhất định về ma túy, cũng như những thủ đoạn phạm tội về ma túy.

Bên cạnh đó, căn cứ vào động cơ, mục đích thực hiện hành vi cưỡng bức, lôi kéo sử dụng chất ma túy của các đối tượng, có thể chia ra thành một số nhóm với một số đặc điểm cụ thể như sau:

* Nhóm thứ nhất: Nhóm đối tượng là người nghiện ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy.

Nhóm đối tượng này chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong trường hợp này, động cơ, mục đích chính của đối tượng thuộc nhóm này là nhằm lôi kéo, rủ rê để tạo ra những người nghiện mới, từ đó họ có thêm “bạn nghiện” để có thể cùng sử dụng ma túy; thêm người để san sẻ gánh nặng về tài chính để mua ma túy hoặc nhằm tăng thêm “cầu” về ma túy (đối với đối tượng phạm tội về ma túy, nhất là những đối tượng mua bán lẻ chất ma túy) để các đối tượng có thể dễ dàng mua bán trái phép chất ma túy.

Người mà các đối tượng thuộc nhóm này hướng tới để cưỡng bức, lôi kéo sử dụng chất ma túy tương đối đa dạng, song thường tập trung vào những người là bạn bè, người thân của chúng; học sinh, sinh viên mới lớn; con em của những gia đình có chức sắc, có điều kiện kinh tế nhưng ham chơi, đua đòi, thích cảm giác lạ hoặc con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như: bố mẹ ly dị, ly thân, thường xuyên bất hòa.                                                                                                                   Phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng này thường là tìm cách gây “lây lan” về tâm lý hay nói cách khác, bọn chúng sử dụng những lời nói, cử chỉ, hành động để kích thích người khác (như: nói về cảm giác sảng khoái, sung sướng khi sử dụng ma túy; cho rằng sau khi sử dụng ma túy, người sử dụng sẽ thấy những cảm giác này, cảm giác kia…) từ đó, làm nảy sinh tính tò mò, thích cảm giác lạ, thích sành điệu của người nghe, làm cho người nghe xuất hiện nhu cầu sử dụng chất ma túy. Trong thời gian đầu, các đối tượng sẽ cho những người bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy mà không lấy tiền hoặc cho chịu tiền, đến khi những người này nghiện ma túy, xuất hiện nhu cầu cần phải sử dụng ma túy, các đối tượng này mới thu tiền ma túy, thậm chí còn có thể sai khiến họ thực hiện một số hành vi khác theo ý đồ của chúng (như trộm cắp tiền, tài sản của gia đình, người thân hoặc tham gia các hành vi phạm tội khác).

*Nhóm thứ hai: Nhóm các đối tượng mà người bị cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy có sự lệ thuộc trong công việc.

Nhóm các đối tượng này thường bao gồm: chủ chứa của các quán bia ôm, quán bar, quán karaoke, các cơ sở có tổ chức hoạt động mại dâm, … đã ép hoặc lôi kéo, rủ rê các nhân viên, vũ công, kỹ thuật viên sử dụng ma túy hoặc ông chủ, đốc công tại các hầm, mỏ khai thác quặng vàng, thiếc, đá quý, than đã cưỡng ép hoặc lôi kéo, rủ rê những người làm thuê cho mình sử dụng ma túy. Động cơ, mục đích chính của nhóm đối tượng này là thông qua việc cưỡng bức, lôi kéo những người làm thuê cho mình sử dụng ma túy để những người này dần dần lệ thuộc vào ma túy, từ đó lệ thuộc vào chúng và phải thực hiện theo đúng ý đồ và sự sai bảo của chúng trong công việc.

Trên thực tế, các hầm, mỏ khai thác quặng vàng, thiếc, đá quý, than thường ở các khu vực vùng sâu, vùng xa trong rừng núi, vì vậy, ngoài giờ làm việc, những người làm thuê tại đây không thể có các hoạt động vui chơi, giải trí nào, dễ dẫn đến tâm lý buồn chán, từ đó nảy sinh tâm lý muốn tìm đến những cảm giác lạ để khuây khỏa, quên đi nỗi buồn này. Do đó, khi những ông chủ, đốc công tại đây hoặc trong số những người lao động trong nhóm lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy, những người làm thuê thường dễ dàng tham gia ngay.

* Nhóm thứ ba: Nhóm các đối tượng khác.

Khác với đối tượng thuộc hai nhóm trên, đối tượng thuộc nhóm thứ ba thường không có động cơ, mục đích rõ ràng trong việc cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy. Ở đây, đối tượng cưỡng bức, lôi kéo và người bị cưỡng bức, lôi kéo thường có quan hệ bạn bè thân thiết và việc sử dụng ma túy được các đối tượng coi như một trò chơi, trò giải trí sau khi nhóm các đối tượng này (thường là những người trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên, thậm chí cả những người mới đi làm) gặp nhau, tổ chức liên hoan, uống rượu và đến vui chơi tại các địa điểm như: vũ trường, quán bar, quán Karaoke, quán cà phê, giải khát… Do bị tác động, ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, cũng như các yếu tố xung quanh, nhất là hành vi sử dụng chất ma túy của một số người khác tại đây, cùng với sự cuốn hút của ánh sáng, âm thanh và tiếp viên; những lời rủ rê, lôi kéo, thậm chí khích bác của bạn bè cùng nhóm đã kích thích, lôi kéo những người ở đây sử dụng ma túy để cùng hòa nhịp vào không khí chung.

Trên thực tế, hành vi cưỡng bức thường xảy ra rất ít, mà chủ yếu là hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, hay nói cách khác, trong hầu hết các trường hợp, quyết định cuối cùng về việc có sử dụng ma túy hay không chủ yếu vẫn là do chủ thể bị lôi kéo, rủ rê. Vì vậy, để có thể nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm này, góp phần làm giảm người nghiện mới, công tác phòng, chống ma túy cần phải đảm bảo được các yêu cầu: nâng cao được bản lĩnh, “sức đề kháng” của những người dễ bị lôi kéo sử dụng ma túy, đồng thời phải thủ tiêu, kiểm soát được các điều kiện thuận lợi mà các đối tượng có thể sử dụng để cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, công tác phòng ngừa tội phạm này cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phải tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, cụ thể là:

- Đối với nhóm hoàn toàn chưa liên quan gì đến ma túy: cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền (có thể thông qua các hoạt động truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, báo mạng điện tử…), qua đó giúp cung cấp những thông tin mang tính cảnh báo về tác hại của hành vi lạm dụng ma túy (như dùng ma túy sẽ bị loạn thần, điên, bị lây nhiễm HIV/AIDS, hủy hoại nòi giống…) sẽ có tác dụng giúp mọi người nhận thức đúng về hậu quả, tác hại của ma túy và tỉnh táo để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn khi phải đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống.

- Đối với nhóm đối tượng có nguy cao (như: thanh, thiếu niên, nhất là trẻ em đường phố, các học sinh có học lực sa sút, trẻ em ham chơi điện tử, con cái gia đình có tiền sử sử dụng ma túy, v.v...) cần có các chương trình tuyên truyền giáo dục riêng, phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh từng nhóm cụ thể. Do đây là nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, ít tham gia các hoạt động xã hội thông thường, ít tiếp cận các thông tin trên báo, đài, ti vi do đó ít cơ hội tiếp cận các thông tin mà người bình thường có thể tiếp cận, vì vậy, cần có những cách can thiệp đặc biệt (thường thông qua tư vấn nhóm nhỏ, truyền thông nhóm, truyền thông liên cá nhân theo từng chuyên đề riêng) mới có thể giúp thay đổi thói quen, nhận thức.

Bên cạnh đó, gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, quan tâm, ân cần theo dõi, chăm sóc con cái, không nên khoán trắng việc giáo dục cho riêng nhà trường, xã hội; thường xuyên nhắc nhở, dặn dò con em khi có bạn bè hay bất cứ người nào mời chào, rủ rê hoặc hăm dọa buộc phải uống, hút, hít bất cứ loại thuốc nào để gây “sảng khoái”, “hưng phấn”, “kích thích”, “mang lại thích thú”, “mang lại khoái lạc”, “làm giảm buồn chán”... thì phải dứt khoát từ chối và báo ngay cho cha mẹ, thầy cô hoặc lực lượng Công an biết.

Hai là, lực lượng Công an các cấp, nhất là Công an cấp huyện và cấp xã, phường cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, qua đó có thể phát hiện sớm các đối tượng nghiện ma túy, đối tượng mua bán lẻ chất ma túy từ đó chủ động áp dụng các giải pháp phòng ngừa cá biệt đối với các đối tượng này hoặc bắt giữ, xử lý đối với những đối tượng mua bán lẻ chất ma túy; lập hồ sơ, tổ chức cho các đối tượng nghiện cai nghiện bằng các hình thức phù hợp.

Lực lượng CSĐTTP về ma túy phối hợp với các lực lượng có liên quan chú trọng tổ chức các biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát những địa điểm mà các đối tượng có thể lợi dụng để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; kịp thời củng cố hồ sơ, khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử công khai đối với những đối tượng có đủ dấu hiệu phạm tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy./.

Bùi Chí Nguyện (nguồn: Tiếng chuông)