Thanh Hóa: Tập huấn kiến thức kỹ năng phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 23/07/2019
Trong tháng 7⁄2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa triển khai 10 lớp tập huấn trang bị kiến thức kỹ năng phòng tránh cho phụ nữ và trẻ em gái trước hiểm họa mua bán người tại các xã thuộc các huyện Nga Sơn, Vĩnh Lộc và Hậu Lộc. Đây là một trong số những hoạt động truyền thông thiết thực hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30⁄7)” trên địa bàn tỉnh.

Tham dự các lớp tập huấn có cán bộ chính sách xã hội; Đội công tác xã hội tình nguyện; Trưởng thôn/khu; cán bộ phụ nữ thôn; đại diện gia đình có người thân mất tích, là người thân của nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân của các vụ mua bán; phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao bị mua bán và một số hộ gia đình sống trên địa bàn.

Với mục tiêu phòng ngừa từ xa, báo cáo viên của Phòng PCTNXH cung cấp, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các học viên về hành vi, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường lợi dụng để hoạt động, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; làm rõ âm mưu, thủ đoạn, hành vi, dấu hiệu của tội phạm mua bán người, hậu quả của nạn mua bán người; trao đổi, thảo luận thông qua các tình huống cụ thể về cách thức phòng tránh, đấu tranh trước những thủ đoạn dụ dỗ, lợi dụng của bọn tội phạm, nâng cao nhận thức về mối hiểm họa của mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, các học viên còn được phổ biến các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Đội công tác xã hội tình nguyện và gia đình trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thanh Hóa đã tiếp nhận 02 nạn nhân bị mua bán từ Trung Quốc trở về. Sau khi tiếp nhận, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng thời hướng dẫn các địa phương có nạn nhân bị mua bán trở về hỗ trợ pháp lý, tư vấn tâm lý giúp nạn nhân bước đầu ổn định cuộc sống tại địa phương. Duy trì mô hình “nhóm tự lực” tại các huyện Hậu Lộc và Ngọc Lặc. Thông qua sinh hoạt nhóm, các chị được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, sức khỏe, kỹ năng sống, thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, đồng thời, các chị em cùng trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất. Một trong những nhóm hoạt động hiệu quả là nhóm tự lực của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đứng thứ 3 trong cả nước, nhu cầu tìm kiếm việc làm cao, do đó, tội phạm mua bán người đã lợi dụng các chiêu bài như: đưa người đi lao động tại các thành phố lớn, ra nước ngoài, kết hôn giả để lừa gạt phụ nữ, trẻ em gái trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhẹ dạ cả tin, mong muốn tìm kiếm việc làm thu nhập cao. Thông qua đợt tuyên truyền này, mỗi cá nhân, gia đình có ý thức nâng cao cảnh giác tự bảo vệ mình, không để mình trở thành nạn nhân bị mua bán./.

Nguyễn Thị Đào

Sở LĐTBXH Thanh Hóa