Điều trị methadone trong trại giam – từ kinh nghiệm quốc tế đến việc áp dụng vào nước ta hiện nay Ngày đăng: 01/08/2014
Theo ông Peter Banys – Cố vấn kỹ thuật điều trị nghiện, Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360), việc cung cấp điều trị duy trì bằng methadone sẽ giảm 55-75% hành vi tiêm chích ma túy, giảm sử dụng chung bơm kim tiêm từ 47-73% giữa các tù nhân tiêm chích. Vì vậy, việc này giảm lây truyền các bệnh lây nhiễm HIV, viêm gan B, C qua đường máu trong trại giam. Cung cấp dịch vụ điều trị duy trì methadone cũng có thể làm tăng sự tham gia của phạm nhân vào chương trình điều trị nghiện trong trại gia

Chính vì những lợi ích trên mà chương trình điều trị methadone trong trại giam đã được thực hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại một số nước phát triển, methadone là một phần trong gói dịch vụ, chăm sóc sức khỏe toàn diện bao gồm dịch vụ sàng lọc các bệnh truyền nhiễm (lao, HIV) tiêm phòng viêm gan A và B, cung cấp bao cao su, tiếp cận dụng cụ xăm hình tiệt trùng và bơm kim tiêm…

Các hình thức sử dụng methadone trong trại giam gồm có 3 hình thức phổ biến như điều trị cắt cơn cho phạm nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện; tiếp tục điều trị methadone cho những người đang điều trị, đặc biệt là điều trị duy trì cho nữ nghiện chất dạng thuốc phiện đang mang thai để đảm bảo sự ổn định của thai nhi và điều trị duy trì methadone cho phạm nhân.

Tại Malaysia, mô hình điều trị methadone trong trại giam đã được thí điểm từ năm 2008. Về bối cảnh và tình hình thì Malaysia và Việt Nam có sự tương đồng, số người nghiện được quản lý tại Malaysia hiện khoảng 170.000 người có hồ sơ quản lý và nghiện chích ma túy cũng đang là nguyên nhân lây nhiễm HIV chính tại nước này. Malaysia đã triển khai điều trị methadone trong cộng đồng trước Việt Nam khoảng 5 năm, nên chương trình điều trị methadone đang là giai đoạn mở rộng với hơn 300 cơ sở điều trị với gần 30.000 người nghiện được điều trị. Để triển khai điều trị methadone ở trại giam, Malaysia đã phải điều chỉnh một số hướng dẫn chuyên môn là tăng liều methadone chậm hơn so với thường quy; liên tục tập huấn cho cán bộ y tế, nhân viên trại giam và phạm nhân; tăng thời gian điều trị trong trại giam trước khi mãn hạn tù (lên 6 tháng, 9 tháng); củng cố liên kết với chương trình điều trị ma túy tại cộng đồng sau khi phạm nhân được mãn hạn; sàng lọc và điều trị lao, HIV (tỉ lệ lao và HIV rất cao); tăng liều methadone với bệnh nhân đang được điều trị HIV/lao và tăng liều hơn 80mg/ngày để tối ưu hóa điều trị methadone đối với những trường hợp sắp được về cộng đồng.

Kinh nghiệm triển khai điều trị thí điểm methadone trong trại giam ở Malaysia cho thấy, việc khởi liều methadone cho các phạm nhân cần phải từ từ, mỗi người có liều riêng biệt. Ngoài ra, việc kết nối với cơ sở điều trị methadone ngoài cộng đồng cần phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa trại giam và cơ sở tại cộng đồng, phải cải thiện giao tiếp giữa trại giam với công an tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ chế và triển khai cần có sự hỗ trợ và ủng hộ từ lãnh đạo trại giam. Trường hợp phạm nhân bị giam giữ đặc biệt hạn chế đi lại, cán bộ y tế cần phải phát thuốc tại nơi giam giữ.

Tại New South Wales, Úc nghiên cứu, điều tra cho thấy, người nghiện bị tử vong là cao nhất trong tuần thứ hai sau khi mãn hạn tù. Còn khi triển khai điều trị methadone cho phạm nhân trong trại giam thì tỉ lệ phạm nhân nghiện ma túy tử vong đã giảm hẳn sau khi mãn hạn tù. Tù nhân đang được điều trị thuốc thay thế trong trại giam sẽ được kê đơn thuốc methadone hoặc buprenorphine khi mãn hạn. Có sự phối kết hợp giữa y tế trong trại giam và các cơ sở điều trị tại cộng đồng để biết được sẽ có bệnh nhân được chuyển gửi đến và ngày dự kiến như thế nào. Cơ sở cộng đồng sẽ tiếp tục cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ trong trại giam. Chỉ có trường hợp tù nhân đang điều trị thay thế được thả mà không có đơn kèm theo của bác sĩ trong trường hợp được thả đột xuất.

Ông Peter Banys cho biết, số liệu ước tính của thế giới thì Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm HIV trong trại giam cao thứ 2 thế giới, nghiện chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến lây truyền HIV ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiện chích ma túy, HIV và tội phạm có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, việc triển khai điều trị methadone trong trại giam, trại tạm giam và trường giáo dưỡng là rất cần thiết. Mặt khác, đối với người nghiện đang được điều trị methadone nếu dừng điều trị cai methadone đột ngột thì hội chứng cai methadone sẽ khó chịu hơn cai heroin nên người nghiện sẽ có nguy cơ tái sử dụng ma túy ngay.

Việc điều trị methadone trong những năm vừa qua ở các nước trên cho thấy, điều trị duy trì methadone là phương pháp điều trị hiệu quả đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện. Tuy nhiên, nếu người nghiện đang điều trị methadone mà bỏ liều 3 ngày liên tiếp, đến ngày thứ 4 điều trị lại thì tác dụng chỉ bằng nửa so với liều điều trị trước đây. Đối với trường hợp bỏ liều 5 ngày liên tiếp thì sẽ phải khởi liều lại từ đầu như một bệnh nhân mới. Thêm nữa, điều trị methadone cũng có những nguy cơ vì methadone là chất dạng thuốc phiện loại mạnh, 20mg methadone tương đương với 50% liều tử vong đối với người không có độ dung nạp chất dạng thuốc nghiện. Nguy cơ quá liều methadone xảy ra chủ yếu trong 2 tuần mới điều trị (gây ngộ độc mạnh có thể dẫn đến tử vong). Cho nên việc duy trì điều trị methadone là cần thiết, nhằm hạn chế sự khởi liều lại cho người nghiện.

Theo ông Peter Banys, việc Việt Nam ban hành hành nghị định triển khai điều trị methadone trong trại giam, tạm giam và trường giáo dưỡng ở Việt Nam là một bước tiến lớn, được tổ chức quốc tế đánh giá cao vì đã thực hiện theo khuyến cáo của quốc tế. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Malaysia, bởi bối cảnh của hai nước có sự tương đồng. Các mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam là điều trị methadone như một thuốc hỗ trợ cắt cơn; ưu tiên duy trì điều trị methadone cho phụ nữ mang thai, hoặc cho những phạm nhân đang được điều trị tại cộng đồng và điều trị duy trì cho bệnh nhân mới trong trại giam trên cơ sở tự nguyện. Việc điều trị methadone có thể thực hiện trong suốt thời gian ở trại hoặc 90 ngày trước khi được ra tù.

Ông Peter Banys cũng đánh giá, chương trình điều trị methadone trong trại giam có thể triển khai hiệu quả tại Việt Nam, nhưng cần phải điều trị đủ liều và phải có các biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo kết nối tiếp tục điều trị tại cộng đồng; có hệ thống theo dõi sau khi ra trại và có các can thiệp để tăng cường trao đổi giữa trại giam và Công an cơ sở nhằm ngăn ngừa việc bắt bệnh nhân điều trị methadone sau khi mãn hạn tù. Cán bộ trong công tác ý tế tại các trại giam, bên cạnh việc đào tạo về chuyên môn, cần được đào tạo về văn hóa, ứng xử trong trại giam đối với những phạm nhân; cần xác định, rà soát số lượng bệnh nhân trong trại giam dự kiến thí điểm điều trị methadone; cần có chuyên gia nước ngoài hướng dẫn về kỹ thuật và chuyên môn. Ngoài ra, để triển khai được tốt mô hình này, Việt Nam cũng cần xây dựng văn bản, điều chỉnh hướng dẫn điều trị cho phù hợp đối với đối tượng và bối cảnh trong trại giam; cần phải thiết lập hệ thống chuyển gửi từ trại giam về chương trình điều trị methadone tại cộng đồng cho bệnh nhân sau khi ra trại./.

Phòng chống ma túy