Đẩy mạnh phòng chống lây nhiễm HIV và tệ nạn xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp ở Bình Dương Ngày đăng: 03/08/2014
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi, giáp ranh với các tỉnh, thành phố phát triển. Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 91 đơn vị hành chính cấp xã với 28 khu công nghiệp đang hoạt động với trên 850.000 lao động từ các địa phương khác (chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh).

Trong những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đến việc chăm lo an sinh xã hội, nhất là các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, với mức độ gia tăng dân số cơ học ngày càng tăng, người nhập cư chiếm gần ½ dân số toàn tỉnh. Đa số người nhập cư là công nhân lao động, sinh sống tập trung trong các khu công nghiệp, các khu vực có nhiều công trình xây dựng và nông trường  cao su, do sống xa nhà, không ai quản lý, điều kiện vui chơi giải trí hạn chế, một bộ phận nhận thức chưa cao nên rất dễ trở thành đối tượng bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm và tình hình lây nhiễm HIV/AIDS.

Số người nhiễm HIV có xu hướng tăng, toàn tỉnh có 64 ca nhiễm mới, nâng luỹ tích số người nhiễm HIV lên 7722 người, trong đó người có hộ khẩu tại Bình Dương là 3.068 người (chiếm 39,7%) hơn 60% là người ngoại tỉnh. 100% đơn vị cấp huyện và 98,7% đơn vị cấp xã tại tỉnh Bình Dương có người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở 3 đơn vị: Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Hiện nay, Bình Dương có gần 1.871 đối tượng nghiện ma tuý. Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lên tới trên 1000 gái mại dâm. Trong số đó có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh chiếm khoảng 86,4%.

Công tác phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, đoàn thể đã phối hợp thực hiện.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành đoàn thể, chính quyền các cấp chủ động và tích cực phối hợp thực hiện chương trình truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân viên chức lao động, “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân viên chức lao động” nhằm góp phần nâng cao tinh thần thưởng thụ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong công nhân lao động góp phần đẩy mạn công tác phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và văn hóa phẩm độc hại; phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong địa bàn dân cư”, xây dựng khu nhà trọ văn hóa lành mạnh…

Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt tổ công đoàn; chỉ đạo các cấp công đoàn đưa nội dung công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội vào Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp, coi đây là việc thường xuyên và là tiêu chí bắt buộc trong việc chấm điểm, xét công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm… tổ chức Hội nghị báo cáo viên công đoàn cấp tỉnh cho hơn 100 cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp nhằm triển khai công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, AIDS, mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh và một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV, phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy cho công nhân lao động. Đến nay, công đoàn các cấp đã tuyên truyền được 86 cuộc với trên 19.000 lượt công nhân lao động tham dự.

Tổ chức công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, những ảnh hưởng và tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm… qua đó giúp công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. Trong đó, tăng cường cấp phát tờ rơi, treo poster tranh ảnh, áp phích tuyên truyền và tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh trong công ty, xí nghiệp, qua bản tin nội bộ cho công nhân lao động.

Ngành Y tế đã cung cấp 9.000 tờ rơi, 720 tạp chí về phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức truyền thông cho 7.308 lượt người người, thực hiện can thiệp cho 3.578 lượt người, cung cấp 16.765 bao cao su… Hoạt động tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS được duy trì trên hệ thống loa truyền thanh tại tất cả các xã, phường, thị trấn. Tư vấn, quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, cũng như gia đình người nhiễm với tổng số 759 người trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội tại các khu công nghiệp gặp không ít khó khăn.

Hiện nay kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm và trong những năm tới sẽ tiếp tục cắt giảm, đặc biệt là nguồn viện trợ của các dự án nước ngoài gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tính bền vững của các dự án.

Trong khi đó, đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 của Bộ Y tế đề ra mục tiêu 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt đông phòng chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp và tại Điều 14 Luật phòng chống HIV/AIDS cũng quy định các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc nhưng hiện nay hoạt động này tại nơi làm việc chỉ chủ yếu dựa vào sự nhận thức và trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp vì chưa có cơ chế chế tài và thực thi việc xử phạt mạnh mẽ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt động công đoàn ở một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh do đặc thù riêng có nhiều khó khăn, phần lớn không tổ chức học tập sinh hoạt tập trung mà tuyên truyền chủ yếu qua nhiều hình thức như tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh bố trí trong nhà ăn hoặc nơi công cộng đông công nhân lao động, tại các bảng tin của Công ty.

Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến tổ chức công đoàn, chưa thấy vai trò quan trọng của công đoàn cơ sở trong công tác tuyên truyền pháp luật nên ít tạo điều kiện cho công đoàn thực hiện công tác của mình với người lao động.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội sâu rộng trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp đặc biệt là trong các tháng cao điểm, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

T. M