Kon Tum: Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2019 Ngày đăng: 12/04/2019
Ngày 01⁄04⁄2019, BCĐ phòng, chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh ban hành Kế hoạch số 45⁄KH-BCĐ về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2019.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: Ít nhất 50% người dân tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người; trên 85% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.

 100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn. 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý; những trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định của pháp luật. So với năm 2018, tăng từ 02% tỷ lệ khởi tố, điều tra các vụ án mua bán người trên tổng số các vụ việc được phát hiện; đạt 95% số vụ án mua bán người được truy tố, xét xử trên tổng số vụ do Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thụ lý.

100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật. 100% số vụ, việc mua bán người có yếu tố nước ngoài phải được các cơ quan chức năng xem xét phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan để giải quyết; văn bản hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã ký phải tiến hành sơ kết, tổng kết theo định kì và có kế hoạch phối hợp thực hiện giai đoạn tiếp theo.

 Theo Kế hoạch, hoạt động phòng, chống mua bán người năm 2019 trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện 05 Đề án theo chỉ đạo của Bộ Công an; triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2019 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú lao động bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở nước ngoài.  Tổ chức các hội nghị chuyên đề về đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

 Đẩy mạnh điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người; kết hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, quản lý xuất, nhập cảnh với đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán.

 Tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh của Lào, Campuchia. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử vụ án mua bán người, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm; lựa chọn một số vụ án trọng điểm, tổ chức xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong nhân dân và răn đe tội phạm.

Tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định; chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa nạn nhân về nơi cư trú. Nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ; rà soát, đánh giá các mô hình hỗ trợ nạn nhân hoạt động hiệu quả, lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng; xây dựng mới các mô hình phù hợp với từng địa phương đảm bảo thiết thực hiệu quả.

TM