Ra mắt điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đầu tiên tại Hà Nội Ngày đăng: 05/04/2019
Ngày 04⁄4⁄2019, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện tại cộng đồng tại phường Hàng Buồm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà  Nội cho biết, với tình hình hiện nay số người nghiện ma túy chuyển hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tình trạng loạn thần xuất hiện ở người sử dụng ma túy đòi hỏi phải có quá trình điều trị lâu dài. Vì vậy, công tác cai nghiện ma túy cần phải tiếp tục được đổi mới với mục tiêu hướng về cộng đồng trên cơ sở xây dựng một mô hình cung cấp cho người cai nghiện các dịch vụ toàn diện bao gồm dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội và hỗ trợ việc làm, giúp ổn định cuộc sống.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, tại kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018, trong đó, có lựa chọn địa bàn quận Hoàn Kiếm là nơi thí điểm xây dựng mô hình Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, UBND quận Hoàn Kiếm chủ động phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội khảo sát, lựa chọn địa điểm và đưa vào hoạt động Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại phường Hàng Buồm.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, đây là mô hình thiết thực có thể huy động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện xóa bỏ mặc cảm, nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.

Đến nay, tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn quận là 455 người trong đó, 67 người không thường xuyên có mặt tại địa phương; 58 người đang trong trường trại do công an quản lý; 52 người đang trong các cơ sở cai nghiện ma túy; 280 người đang có mặt tại cộng đồng.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng trên địa bàn quận nhằm giúp đỡ người nghiện tiếp cận được với các dịch vụ tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, kết nối tham gia chuyển gửi người nghiện ma túy đến các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố, bệnh viện tâm thần để thực hiện cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng phòng ngừa và ứng phó với tệ nạn ma túy ở cộng đồng.

Mô hình được thực hiện thí điểm trong thời gian 1 năm, sau đó đánh giá, tổng kết và nhân rộng tới 17 phường còn lại trên địa bàn quận.

TT