Mô hình: Hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy Ngày đăng: 05/03/2019
Ngày 01⁄3⁄2019, tại thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm năm 2019". Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ); Cục quản lý các dịch vụ điều trị nghiện chất và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA); Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI); đại diện các Sở, ngành và một số đơn vị, cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế, Tài chính, Thông tin & Truyền thông, Công an thành phố, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật; đại diện Ủy ban nhân dân quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm; các phường tham gia thí điểm; các đơn vị chuyển gửi: Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, số 6; Cơ sở điều trị Methadone quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm, Bệnh viên Tâm thần Hà Nội.

Triển khai Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 và Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) nghiên cứu xây dựng mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" với các mục tiêu:

- Phát triển mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo định hướng của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường sự gắn kết và xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các Sở, ngành của Thành phố và các Ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong cung cấp dịch vụ xã hội đối với người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy;

- Tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng; góp phần giảm tỷ lệ phạm tội trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn thành phố;

- Trên cơ sở kết quả mô hình thí điểm để phát triển nhân rộng mô hình điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại các địa bàn phức tạp về ma túy, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, sử dụng ma túy và công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình tại các phường Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm (quận Long Biên) và Cầu Diễn, Xuân Phương, Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm).

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận để nắm bắt rõ nội dung và nhiệm vụ của Mô hình để từ đó có định hướng hoạt động rõ ràng, sau hội nghị có thể triển khai ngay vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị: “Đây là mô hình mới, lần đầu được thí điểm tại Việt Nam. Thành phố Hà Nội đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tin tưởng chọn làm địa bàn triển khai thực hiện. Do đó, đề nghị các đơn vị tham gia thí điểm, đặc biệt là ba ngành: Lao động- Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an sẽ cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu tại Kế hoạch:

- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngoài việc chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền các cấp trong triển khai mô hình thí điểm cần chú trọng công tác tuyên truyền khung kỹ thuật của mô hình và đào tạo cán bộ cơ sở;

- Ngành Y tế chú trọng việc chỉ đạo các cơ sở tiếp nhận, kịp thời cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đối người được chuyển gửi;

- Ngành Công an chỉ đạo tuyến cơ sở chú trọng việc phát hiện đối tượng, thực hiện đánh giá, chuyển gửi, theo dõi, kèm cặp người được chuyển gửi để họ có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ và tuân thủ điều trị;

- Các Sở, ngành khác chú trọng phối hợp thực hiện với ba ngành trên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.”

Việc triển khai thí điểm thành công mô hình sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, góp phần kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững./.

 

                                                                                                        Thanh Huyền