Hà Nội: Triển khai công tác phối hợp truyền thông phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Ngày đăng: 20/02/2019
Ngày 19⁄2⁄2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành thực hiện Đề án "Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020". Đồng chí Hoàng Thành Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở LĐTBXH chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Sở Tài Chính, Thông tin truyền thông, Y tế; đại diện Phòng tham mưu tổng hợp (PV01), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) - Công an Thành phố; đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và Hà Nội.

Ngày 12/12/2018, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án "Phối hợp truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020" theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 909/QĐ-LĐTBXH ngày 13/7/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhằm tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống mua bán người trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên sóng truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử và các ấn phẩm khác, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác này. Đảm bảo yêu cầu cung cấp, tuyên truyền, phổ biến thông tin chính xác, kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.

Cụ thể, thành phố phấn đấu đến năm 2020: nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hình thức, thể loại, sản phẩm truyền thông, trong đó truyền thông mới tăng từ 10-15%; tăng trên 15% thời lượng đưa tin trên sóng truyền hình, phát thanh và các ấn phẩm khác của cơ quan truyền thông so với năm 2017; tăng 20% số người được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm so với năm 2017; 100% phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề thuộc cơ quan truyền thông được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm.

Để thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung vào 4 giải pháp chính sau:

- Đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức truyền thông, truyền tải một cách sâu sắc, sinh động, phù hợp các nội dung thông tin, chú trọng đến tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các giải pháp, biện pháp, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; nguy cơ, tác hại, hậu quả lây nhiễm HIV/AIDS, sử dụng, nghiện ma túy và các chất hướng thần, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp; phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán ma túy; dịch vụ chăm sóc, điều trị, cai nghiện ma túy, chữa trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người bán dâm...; các biện pháp, kỹ năng phòng ngừa để không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy, tổ chức, hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm và kỹ năng ứng phó với người nghiện, người sử dụng ma túy; nâng cao nhận thức, giảm kì thị, phân biệt đối xử và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và người bán dâm; vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế; các mô hình, điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, phòng, chống mại dâm và hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người bán dâm từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật; tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; học tập kinh nghiệm, tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm.

- Tăng cường thời lượng tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong các chương trình, ấn phẩm của các cơ quan truyền thông. Bố trí vào các khung giờ nhiều người xem; các Trang thông tin điện tử của Sở LĐTBXH, Sở Y tế, Công an thành phố (ba cơ quan thường trực) và các cơ quan truyền thông.

- Nâng cao năng lực cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan truyền thông.

- Tăng cường sự phối hợp giữa ba cơ quan thường trực với cơ quan truyền thông, báo chí.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều bày tỏ sự cần thiết trong hoạt động phối hợp truyền thông, thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng trong việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin và xây dựng chuyên trang, chuyên đề về phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên chương trình truyền hình của Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và Kinh tế Đô thị.

Bên cạnh đó, đại diện các ngành đã thống nhất về cơ chế, tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo thực hiện công tác truyền thông trong năm 2019 có hiệu quả, trong đó, Sở LĐTBXH sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết./.

Lê Thị Thúy

Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội