Hà Nội: Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 13/12/2018
Ngày 12⁄12⁄2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội thảo "Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về". Hội thảo có sự tham gia của các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương (Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên); và đại diện tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về: Tầm nhìn thế giới (World Vision), Hagar, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...; và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 11 tỉnh, thành phố biên giới, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về. Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị đánh đập, tra tấn, giam giữ, bóc lột tình dục, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.

100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách. Qua quá trình hoạt động thực tế đã xuất hiện một số cách làm, mô hình hỗ trợ nạn nhân bước đầu có hiệu quả cần được chia sẻ và nhân rộng. Cụ thể là:

Mô hình Nhóm Tự lực thành lập và triển khai từ năm 2011 tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thành lập được 03 nhóm tự lực (TP. Huế 01 nhóm/10 thành viên nữ và huyện A Lưới có 02 nhóm với 11 thành viên); tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình “Nhóm tự lực” cho nạn nhân bị mua bán tại 07 huyện, thành phố; tỉnh Tây Ninh thành lập 04 nhóm tự lực tại 04 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên.

Sau khi dự án kết thúc, một số tỉnh vẫn duy trì hoạt động từ nguồn kinh phí của địa phương. Tiêu biểu là mô hình Nhóm tự lực hỗ trợ nạn nhân ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động chính của mô hình là sinh hoạt nhóm, tại các buổi sinh hoạt nhóm, các nạn nhân được giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, sức khỏe, kỹ năng sống, thông tin các chính sách đối với hộ nghèo, đồng thời là cơ hội để các chị em trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất. 

Mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố lựa chọn tổ chức triển khai thực hiện mô hình tại địa bàn huyện Kiến Thụy, huyện Thủy Nguyên nhằm phòng ngừa và tiến đến đẩy lùi tệ nạn mại dâm, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, mô hình đang được triển khai hoạt động với tên gọi là "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng". Các thành viên tham gia mô hình ban đầu là một số nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm, người có nguy cơ cao bị mua bán. Hoạt động của mô hình là sinh hoạt nhóm, quy chế sinh hoạt 01 tháng 01 lần với các nội dung sinh hoạt thiết thực. Thông qua các hoạt động của mô hình, nhiều phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ cao bị buôn bán được nâng cao nhận thức, phòng ngừa tệ nạn mại dâm, giúp cho người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, trợ giúp pháp lý, học nghề, giới thiệu việc làm để chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Mô hình Nhà Nhân Ái

Nhà Nhân Ái là một trong những mô hình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về, được thành lập từ tháng 4/2010 trên địa bàn tỉnh Lào Cai do tổ chức Pacificlink- một tổ chức NGO của Mỹ tài trợ và Đại sứ quán Anh hỗ trợ xây dựng Nhà Nhân Ái. Hoạt động chính của mô hình gồm cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân Ái bao gồm hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại...), hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn nghề, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân, giúp trợ giúp pháp lý, làm chứng minh thư, hỗ trợ tiết kiệm có định hướng... ; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; truyền thông phòng, chống mua bán người; cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận tại các Đồn Biên phòng, Trung tâm công tác xã hội tỉnh và Nhà Nhân Ái. Đến nay, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 177 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn. Nhà Nhân Ái đã và đang tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các nạn nhân bị mua bán trở về trên phạm vi cả nước.

Mô hình hỗ trợ nạn nhân dựa trên những hiểu biết về sang chấn của Tổ chức Hagar

Chương trình của Hagar là làm việc trực tiếp với phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của sang chấn từ mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ địa phường, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức liên quan. Các nạn nhân được hỗ trợ thông qua các dịch vụ: pháp lý, nhà ở an toàn, quản lý ca, tham vấn, sức khỏe, phát triển kỹ năng xã hội, giáo dục, nâng cao năng lực kinh tế, vận động chính sách, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, truyền thông cộng đồng. Từ năm 2009 đến cuối năm 2017, Hagar thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục và bạo lực gia đình tại 30 tỉnh, thành phố. Từ năm 2018, Hagar tập trung vào một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Yên Bái.

Mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng của tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision)

Các chương trình hỗ trợ của Tầm nhìn thế giới thực hiện ở 14 tỉnh, thành phố. Thông qua các mô hình Nhóm tự lực, mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng thông qua nhóm tiết kiệm được thực hiện tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Mô hình được xây dựng và thực hiện thông qua 4  bước: rà soát và cập nhật thông tin nạn nhân tại cộng đồng; thành lập nhóm; hỗ trợ bò giống và vật liệu làm chuồng; sinh hoạt định kỳ, tập huấn và trao đổi, giao lưu. Đến nay, đã xây dựng được 04 nhóm với 67 thành viên, trong đó hơn 50% phụ nữ từng di cư bất hợp pháp trở về, đã hỗ trợ 12 con bò cái và hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng bò cho một số hộ gia đình. Mô hình này góp phần hỗ trợ nạn nhân về kỹ năng sống, điều kiện kinh tế và tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác để thành viên tái hòa nhập thành công ngay tại cộng đồng.

Mô hình Nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển

Nhà bình yên ra đời ngày 08/3/2007 tại Hà Nội nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán người, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp chính sách trong phòng chống mua bán người. Các nạn nhân được cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí và toàn diện cho người tạm trú, bao gồm: nơi ăn, ở an toàn; đưa đến cơ sở khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tham vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống; hỗ trợ và theo dõi hồi gia. Ngoài ra hỗ trợ cả con của nạn nhân đi theo mẹ, đặc biệt về tâm lý và giáo dục. Đến nay, Nhà bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 353 nạn nhân, khám và điều trị bệnh cho 1.691 lượt người, tư vấn tâm lý cho 3.565 lượt người, 23 người được hỗ trợ học văn hóa, 77 người tham gia các khóa học nghề, 61 người có việc làm. Có thể nói đây là gói hỗ trợ toàn diện, đáp ứng nhu cầu thực tế của nạn nhân và cần thiết để đảm bảo kết quả, hiệu quả hỗ trợ.

Kết luận Hội thảo, Ông Lê Đức Hiền đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như cách làm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị  mua bán trở về của các tỉnh biên giới và các tổ chức trong thời gian qua: (1) công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức giúp cho nhiều nạn nhân bị mua bán trở về được bảo vệ, giúp đỡ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập tốt với cộng đồng; (2) nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân phù hợp, tăng cơ hội cho nạn nhân được bảo vệ, ổn định sức khỏe, tinh thần, hỗ trợ về vốn vay, con giống vật nuôi, được trang bị các kỹ năng chăn nuôi, phát triển kinh tế; (3) Nhiều nạn nhân sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ đã có cuộc sống ổn định và quay trở lại giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh và tham gia hoạt động xã hội tích cực. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các mô hình hiện nay cũng tồn tại một số hạn chế nhất định như: Mô hình hỗ trợ nạn nhân chưa đa dạng và số địa phương có mô hình chưa nhiều; một số mô hình chưa hoàn thiện, cần tiếp tục được bổ sung các hoạt động và có cơ chế thực hiện. Để làm được điều này cần có sự tổng hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình cũng như cách điều phối chung của cơ quan chức năng trong thời gian tới./.

HH