Công tác nhân quyền 2018 và kết quả triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc Ngày đăng: 13/11/2018
Ngày 09⁄11⁄2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo “Công tác nhân quyền 2018 và kết quả triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc”. Dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH). Tham dự có ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao); đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ, tổ chức xã hội tại Việt Nam.

Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, có nhiệm vụ rà soát tình hình bảo đảm quyền con người của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, hoạt động trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, với mục tiêu cải thiện và thúc đẩy việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền, hoạt động chu kỳ 4,5 năm. Việt Nam thực hiện UPR lần đầu vào tháng 5/2009.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội thảo nhằm thông tin về công tác nhân quyền năm 2018 của Bộ, đồng thời, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị UPR liên quan đến quyền người lao động, các đối tượng dễ bị tổn thương gồm phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, các quyền kinh tế - xã hội liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội. Trên cơ sở các ý kiến chia sẻ, phản hồi cũng như khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quyền lao động và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, Bộ LĐTBXH tổng hợp, hoàn thiện các nội dung, chuẩn bị cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 dự kiến vào tháng 1/2019.

Những kết quả đạt được

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, năm 2018 là kỷ niệm 70 năm ngày nhân quyền thế giới và cũng là năm Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 (UPR). Trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tích cực xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đảm bảo quyền con người. Cụ thể, trình Chính phủ, Bộ ban hành một số các Nghị định, thông tư về lao động, tiền lương, việc làm, trẻ em, bình đẳng giới, trong đó, có dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019, Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Đề án cải cách bảo hiểm xã hội, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh... Thực hiện quyền của người lao động, Bộ LĐTBXH thúc đẩy nghiên cứu trình phê chuẩn các Công ước cơ bản số 87, 89, 105 của ILO; thành lập Tổ công tác về các Hiệp định Thương mại tự do (Tổ công tác FTA); theo dõi chặt chẽ tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và nắm bắt nhu cầu lao động tại doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi của lao động tại nơi làm việc; hướng dẫn các địa phương triển khai Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ người khuyết tật trong giao thông tiếp cận, trợ giúp pháp lý, giáo dục; chú trọng các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới; tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế (UNICEF, Bộ Lao động Hoa Kỳ, ILO, EU) xây dựng và thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án về quyền con người về lao động, việc làm, an sinh xã hội...

Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 2 trong lĩnh vực lao động - xã hội, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, tại chu kỳ II của cơ chế UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), trong đó có 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn toàn, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang được tiếp tục thực hiện. 7 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Không có khuyến nghị nào đã được chấp thuận mà chưa được xem xét thực hiện. Một số khuyến nghị liên quan đến việc xây dựng và sửa đổi luật pháp Việt Nam cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó được tham vấn rộng rãi giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Các dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội xem xét. Một số điều chỉnh đã được Quốc hội chấp thuận; một số nội dung khác, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mua bán người được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, các địa phương đã tổ chức gần 250.000 cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 15 triệu lượt người tham dự. Tính đến hết ngày 15/5/2018, Việt Nam có 224.690 người nghiện có hồ sơ quản lý. Người nghiện ma túy được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện, học văn hóa, học nghề và kết nối hỗ trợ tìm việc làm. Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đã chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy; khuyến khích cai nghiện tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc và phát triển hệ thống điều trị, cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng.

Những khó khăn, thách thức, ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, đó là, khuôn khổ pháp lý về quyền con người vẫn đang cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp lý để phù hợp với Hiến pháp. Đồng thời, Việt Nam đang phải tiếp tục nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn chủ quan và khách quan để bảo đảm nguồn lực cần thiết dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn, nhất là đối với người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ luôn hiện hữu giữa các khu vực địa lý, các cộng đồng và các nhóm dân cư. Về công tác giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người còn đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực và thời gian để có hiệu quả rộng khắp. Việc cân bằng giữa bảo vệ giá trị văn hóa, phong tục của các cộng đồng với bảo đảm chống phân biệt đối xử và phổ cập thụ hưởng quyền con người còn nhiều thách thức.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng phát triển con người là mục tiêu hàng đầu trong chính sách của Đảng, Nhà nước. Việt Nam đã nỗ lực sửa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu trong các cam kết quốc tế về nhân quyền; tiếp tục phấn đấu để đảm bảo, thúc đẩy ngày càng tốt hơn quyền con người; cam kết mạnh mẽ tăng cường đối thoại thực chất, hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia, cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người./.

Kim Dung