Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV⁄AIDS Ngày đăng: 29/08/2018
Ngày 24⁄8⁄2018, Bộ Y tế Công văn số 4938⁄BYT-AIDS về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV⁄AIDS gửi Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ: Công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số người nhiễm HIV hàng năm giảm, tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS giảm, các chương trình dự phòng và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được thực hiện khá đồng bộ tại các địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa được quan tâm triển khai ở một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Để tăng cường thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố tập trung tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức về dự phòng và điều trị HIV/AIDS; đẩy mạnh phân phát bơm kim tiêm trong nhóm nghiện chích ma túy; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thay thế và can thiệp, dự phòng, điều trị ma túy tổng hợp; mở rộng can thiệp cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới; triệt để thực hiện dự phòng phổ cập, tập trung can thiệp dự phòng cho các nhóm có nguy cơ cao, các nhóm dễ bị tổn thương, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đảm bảo người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết khác. Các tỉnh, thành phố cần phải tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và điều trị bệnh nhân AIDS; mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại nhà; triển khai điều trị ngay khi phát hiện các trường hợp HIV dương tính; đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; củng cố tăng cường các cơ sở điều trị để bắt đầu thanh toán thuốc điều trị kháng vi rút HIV (ARV) qua bảo hiểm y tế từ năm 2019.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố phải tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, huy động các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, mạng lưới người nguy cơ cao, nhiễm HIV/AIDS tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS; tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính của địa phương đã được phê duyệt.

K.H