Chính sách về ma túy ở một số nước trên thế giới Ngày đăng: 14/08/2018
Ma túy đang là vấn nạn toàn cầu

Tính tới thời điểm này, Liên Hợp quốc đã có 3 Công ước về ma túy mà hầu hết các nước trên thế giới đều ký cam kết thực hiện. Chính sách hình sự của các nước coi tội phạm ma túy là trọng điểm, pháp luật quy định xử phạt rất nghiêm minh về loại tội phạm này. Gần đây quá trình thực hiện đã thấy chính sách này dường như không mang lại kết quả mong đợi, lý do chủ yếu là thị trường ma túy thế giới ngày càng diễn biến khó lường, sản xuất ma túy ngày càng gia tăng, những vụ buôn bán ma túy bị bắt được khối lượng ngày càng lớn.

Hiện nay, ở Pakixtan mỗi ngày sản xuất 9.000 tấn ma túy, một con số khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng buôn bán ma túy ở khu vực và thế giới. Việc sản xuất ma túy ngày càng có xu hướng gia tăng không chỉ ở các nước phát triển, đang phát triển mà cả các nước nghèo khó như ở Châu Phi. Có nhiều loại ma túy sản xuất ở các nhà xưởng trá hình được bán với giá rẻ vì chi phí sản xuất được thuê nhân công với giá rẻ mạt. Trong 30 năm gần đây, giá cocain giảm 80% và rất dễ mua, bán. Trước đây, các báo cáo tình trạng ma túy thường nghiêm trọng ở Mỹ, các nước phát triển. Ở giữa thế kỷ 20 thì ở nước đang phát triển, đến nay nước nghèo, siêu nghèo đều có vấn đề ma túy diễn biến rất phức tạp.

Lãnh đạo nhiều nước cho là chính sách trong phòng, chống ma túy trong thời gian qua đã chưa mang lại hiệu quả tích cực, tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thực tế cho thấy kết quả thực hiện rất hạn chế số ca tử vong, tăng, dịch HIV tăng, viêm gan C, tội phạm tăng, buôn bán ma túy tăng, mặc dù ngày càng bỏ nhiều tiền và công sức để phòng chống và kiểm soát ma túy.

Tại Hội thảo đánh giá Pháp luật và thực thi pháp luật về điều trị, cai nghiện ma túy ở việt Nam, Ông Wodak Alex Chủ tịch Quỹ cải cách ma túy Australia chia sẻ: một số quốc gia đang thay đổi chính sách về ma túy cho phù hợp với thực tế hiện nay, Cụ thể tại Hà Lan, từ năm 1990 coi ma túy là vấn đề y tế - xã hội, hợp pháp hóa việc bán cần sa ở các cửa hàng được quản lý. Uruguay đã phê duyệt cần sa là loại ma túy hợp pháp từ năm 2013.

Thụy Sĩ vào năm 1990 có một đợt tử vong do sử dụng ma túy quá liều và ngay sau đó Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách mở rộng dịch vụ điều trị, làm giảm ca tử vong, giảm tội phạm, giảm bắt giữ liên quan đến ma túy.

Bồ Đào Nha, từ 2001 không tiếp tục trừng phạt người mang lượng nhỏ lượng ma túy cho sử dụng cá nhân. Người sử dụng ma túy được đánh giá mức độ sử dụng và hỗ trợ xã hội, do vậy, tỉ lệ tử vong do quá liều, nhiễm HIV, tỉ lệ các vấn đề xã hội như trộm cắp, gây rối xã hội do sử dụng ma túy gây ra đã giảm đáng kể.

Đến nay, có đến khoảng 40 nước không bắt giữ những người mang theo một lượng ma túy nhỏ với mục đích sử dụng. Năm 2012 có 2 bang ở Mỹ đánh thuế cần sa thay vì trừng phạt, đến nay là 9 bang đã thực hiện và 5 bang đang thảo luận về vấn đề này; Canada đã thực hiện đánh thuế cần sa từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, để đảm báo chính sách đi vào cuộc sống, chính sách này cần phải được thường xuyên đánh giá một cách khách quan, độc lập để áp dụng cho phù hợp. Chúng ta không ngồi chờ mà phải tiến hành thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Nỗ lực thay đổi để hỗ trợ người điều trị nghiện hiệu quả

 Hiện nay, rất nhiều nước coi ma túy trước hết là vấn đề sức khỏe, y tế, xã hội, vì vậy phải tăng cường nguồn lực cho can thiệp y tế và hỗ trợ xã hội, mở rộng và cải thiện hệ thống điều trị, cũng giống như điều trị các bệnh tim mạch, ung thư. Phải xem xét đánh giá để từng bước giảm việc trừng phạt, bắt giữ người nghiện ma túy mang lượng nhỏ ma túy với mục đích sử dụng, có những quy định cho việc được mang một lượng nhỏ ma túy với mục đích sử dụng. Thực tế rất khó khăn kiểm soát việc ma bán ma túy nhỏ lẻ, nhưng nếu có chính sách đúng cũng có thể kiểm soát được một phần thị trường mua bán ma túy như là Hà Lan.

Một số nước cho phép hợp pháp hóa từng phần, tại Thụy Sĩ có chương trình hỗ trợ điều trị heroin bằng cách kê đơn heroin tinh khiết cho người sử dụng để làm giảm một phần ma túy bất hợp pháp. Ở Pháp thành lập phòng chích an toàn, người sử dụng ma túy đến đó không những được sử dụng biện pháp tiêm chích an toàn mà còn là nơi chia sẻ của người sử dụng ma túy về vấn đề sức khỏe, việc làm v.v.

Methadone đã được nhiều nước đưa vào hệ thống điều trị mục tiêu là đáp ứng nhu cầu sử dụng của người sử dụng ma túy chứ không còn là nghiên cứu, điều này cũng góp phần giảm tình hình mua bán trái phép chất ma túy, được giới truyền thông và cộng đồng đánh giá cao.

Giảm nhu cầu sử dụng ma túy bằng biện pháp giáo dục là cần thiết nhưng biện pháp này có giá trị ngắn hạn, cần có biện pháp điều trị hiệu quả và lâu dài. Điều trị có hiệu quả sẽ giúp người sử dụng ma túy nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở những vùng nghèo khó, các quốc gia chậm phát triển, cải thiện cuộc sống của người trẻ tuổi, đặc biệt là người trẻ tuổi nghèo về nơi ở, giáo dục và nghề nghiệp, người nghèo thường có nhiều vấn đề bế tắc và dễ dẫn đến sử dụng ma túy.

Các nước trong ASEAN như Myanma, Thái Lan, Malaysia đã bỏ mức hình phạt tử hình đối với các tội buôn bán về ma túy. Việt Nam đang thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, tăng số người điều trị tự nguyện và giảm số cai nghiện bắt buộc còn 6% đến năm 2020. Thay đổi quan điểm coi nghiện ma túy là căn bệnh mãn tính của não bộ, giảm cai nghiện bắt buộc, tăng cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện ma túy gắn liền với cung cấp các dịch vụ tâm lý, y tế và xã hội sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Rõ ràng để ứng phó với vấn đề ma túy có hiệu quả cần một hướng đi mới. Chúng ta cần thay đổi chính sách về ma túy nếu chính sách đó đã triển khai một thời gian dài mà không mang lại hiệu quả. Các cố gắng giảm cung ma túy là cần thiết nhưng vô cùng đắt đỏ và hiệu quả cũng còn nhiều hạn chế, do đó, cần phải thực hiện hài hòa giữa vấn đề giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách mới cần rất nhiều thời gian, thậm chí mất nhiều năm nhưng điều quan trọng là những quan điểm mới đã được các nhà hoạch định chính sách ở các nước đánh giá cao, quan tâm và bắt đầu khởi động những bước thay đổi đầu tiên trên con đường đó./.

Cao Nhất Phiến