Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Bình từng bước thay đổi để đứng vững Ngày đăng: 26/07/2018
Từ một Trung tâm cai nghiện bình thường, “Cơ sở cai nghiện ma túy” tỉnh Quảng Bình đã dần “chuyển mình” thành một Cơ sở mở, thu hút nhiều người tự nguyện đến cai nghiện tại đơn vị.

Ông Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết, tên gọi ban đầu của Cơ sở cai nghiện ma túy là Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội, được thành lập theo Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 9/6/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Đến tháng 6 năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2245/QĐ-UBND về việc đổi tên “Trung tâm Giáo dục lao động – Xã hội” thành “Cơ sở cai nghiện ma túy”. Không chỉ thay đổi về tên gọi, lãnh đạo và nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy từng bước thay đổi về nhận thức và cách thức cung cấp dịch vụ.

Được biết, trong thời gian từ năm 2012 đến ngày 30/5/2018, số lượt người vào Cơ sở cai nghiện ma túy là: 385 đối tượng, trong đó cai tự nguyện là: 354 đối tượng; cai bắt buộc là 31 đối tượng, chủ yếu là nam giới chỉ có duy nhất 01 nữ.

Theo ông Trần Đình Quý, ở một góc độ nhất định nào đó, Cơ sở đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng, một số ít người đã bỏ hẳn nghiện ma túy và thành công trên con đường lập thân lập nghiệp, một số đã trở về địa phương làm người có ích cho quê hương như: làm thợ sửa chữa xe máy, sửa điện tử hay thợ cắt tóc, chăn nuôi gia cầm gà, vịt, bò, lợn hay lái taxi, xe thồ và trồng rừng.... Thế nhưng, ở nhiều góc độ khác, bộ máy nhân sự dành cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh vẫn chiếm tỉ lệ khá cao và một số đông đối tượng khi ra khỏi Cơ sở có cảm giác như thoát khỏi một nơi hạn chế quyền tự do của mình.

Đứng trước những khó khăn vướng mắc về cơ chế và quan điểm, nhận thức được những tồn tại về hiệu quả trong hoạt động, tập thể nhân viên, cán bộ và Lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy đã cố gắng tìm một lối đi mới. Đó là, luôn coi trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò của cá nhân người nghiện; xây dựng giải pháp tác nghiệp dựa trên vấn đề và nhu cầu của người nghiện, xây dựng đội ngũ tự quản, thân nhân người nghiện và đội ngũ công an địa phương thành lực lượng hỗ trợ phòng khi có sự cố đối tượng tổ chức trốn khỏi Cơ sở thì nhanh chóng phối hợp xử lý kịp thời. Kết quả bước đầu đã làm mềm hóa, làm giảm nhẹ đi yếu tố bắt buộc.

Đặc biệt, từ giữa năm 2012, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, Cơ sở đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tự điều chỉnh mình trên cơ sở những yêu cầu bức xúc của thực tế cuộc sống. Theo Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết, căn cứ đặt nền móng cho sự chuyển đổi của Cơ sở là:

Thứ nhất, theo quy định mới, người nghiện được bảo đảm các quyền về nhân thân, chỉ bị bắt buộc đưa vào Cơ sở cai nghiện bằng một quyết định của tòa án, được bảo vệ nếu chứng minh được mình không bị lệ thuộc bởi ma túy, sẽ không còn tình trạng người nghiện bị đưa vào các Cơ sở ngoài ý muốn của họ. Và như vậy, nếu không tự điều chỉnh mình, Cơ sở sẽ không còn người đến cai nghiện.

Thứ hai, chính bản thân người nghiện có những nhu cầu rất chính đáng. Bên cạnh nhiều người nghiện cố tình vi phạm pháp luật vẫn có một số người muốn nhưng không đủ sức để tự từ bỏ nghiện. Ngay cả nhiều người nghiện sống trái pháp luật vẫn có những khoảnh khắc ước ao mình “được làm người lương thiện”. Họ muốn thoát nghiện nhưng không muốn đến các Cơ sở cai nghiện tập trung vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân rất thật là phải đối diện với sự tù túng.

Thứ ba, nhu cầu của gia đình người nghiện. Thân nhân người nghiện luôn tồn tại những yêu cầu mâu thuẫn - vừa muốn Nhà nước đưa người thân của mình vào các Cơ sở để cai nghiện, vừa sợ người thân bị ngược đãi, bị lây nhiễm các loại bệnh, bị tiêm nhiễm thêm các thói xấu khi phải sống trong môi trường tập trung của một Cơ sở cai nghiện. Nói cách khác, họ vừa muốn được giúp đỡ, vừa chưa đủ lòng tin vào hiệu quả của một Cơ sở cai nghiện công lập.

Nhận thức được những nhu cầu ấy, Cơ sở Cai nghiện ma túy đứng trước sự lựa chọn: phải thay đổi hoặc phải tồn tại như “một cơ thể” có ích. Sự thay đổi phải bắt đầu từ trong nhận thức, thay đổi từ sự chủ động đến với người nghiện, coi họ là khách hàng chứ không chờ đợi họ được đưa đến. Muốn người nghiện đến với Cơ sở phải thay đổi chất lượng cung cấp dịch vụ của đội ngũ lãnh đạo Cơ sở và nhân viên phục vụ và trước hết là phải đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của những người cần đến dịch vụ.

Bắt tay vào quá trình chuyển đổi, Cơ sở gặp không ít khó khăn: cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu thốn, đội ngũ nhân viên ít ỏi, chưa được tham khảo nhiều từ các mô hình thực tế, cơ sở pháp lý của nhiều hoạt động chưa đầy đủ. Bù lại, Cơ sở có nhiều thuận lợi: được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt, sự hợp tác của cộng đồng rất chặt chẽ và hiệu quả, thương hiệu của đơn vị đã được thừa nhận, đặc biệt, đội ngũ nhân viên xã hội dù ít nhưng khá nhạy bén với cái mới, luôn sẵn sàng tiếp cận và thực hiện các giải pháp mới. Và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, phù hợp thực tế của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (lãnh đạo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Cơ sở cai nghiện ma túy.

Tin rằng, với sự thay đổi tích cực từ tập thể lãnh đạo và nhân viên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Bình sẽ thu hút nhiều người cai nghiện tự nguyện đến điều trị, cai nghiện và với sự góp sức của Cơ sở cai nghiện ma túy, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từng bước được kiềm chế góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./

                                                                       

      Tố Oanh

Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Quảng Bình