Lào Cai với công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 20/05/2014
Ngày 11⁄9⁄2008, Liên ngành LĐTBXH-CA-VHTTDL-UBMTTQ-TĐTNCSHCM tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch Liên ngành số 01⁄KHLN-LĐTBXH-CA-VHTTDL-UBMTTQ-TĐ về “Phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng”. Thực hiện Kế hoạch, các cơ quan trong liên ngành mà thường trực là Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các quận, huyện, xã, phường xây dựng kế hoạch giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai tái hòa nhập cộ

Tập trung tuyên truyền vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy bằng nhiều hình thức khác nhau. Tại nhiều xã, phường, thị trấn người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện về tái hòa nhập cộng đồng được UBND cấp xã phân công các tổ chức đoàn thể giúp đỡ, động viên, hướng nghiệp, tạo việc làm phù hợp.

Từ năm 2008 đến nay, tại các địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, phân công quản lý, giúp đỡ  được 2.500 lượt người sau cai nghiện trở về địa phương, trong thời gian được giao quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, các tổ chức đoàn thể đã tiếp cận động viên thăm hỏi, tư vấn được 7.500 lượt; qua các đợt tiếp cận, thăm hỏi, tư vấn đã tạo được môi trường thân thiện không kỳ thị đối với người sau cai nghiện ngay tại cộng đồng, từ đó giúp họ ổn định tâm lý, quyết tâm từ bỏ ma túy.  Vận động người nghiện tham gia câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện ma túy. Toàn tỉnh hiện có 43 Câu lạc bộ với 642 hội viên là người sau cai nghiện tham gia, trong đó có 24 Câu lạc bộ do các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên hướng dẫn thành lập và duy trì các hoạt động, 19 câu lạc bộ được thành lập theo địa bàn xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh việc tiếp cận để tư vấn cho bản thân và gia đình người nghiện, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh cũng hết sức quan tâm, bằng nhiều hình thức, biện pháp để tạo điều kiện, hỗ trợ, kết nối họ đến các dịch vụ cần thiết, cụ thể: đã tư vấn, tín chấp giúp cho 55 hộ gia đình có người sau cai nghiện vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền là 550 triệu đồng; Dự án VNMJ04  cho vay vốn theo chương trình Quỹ tín dụng vi mô: đã giải ngân cho 205 hộ gia đình có người sau cai nghiện và quay vòng 396 lượt hộ với số tiền là 410 triệu đồng; giúp đỡ cây con giống cho 41 hộ gia đình trị giá 65,8 triệu đồng; giúp đỡ 820 ngày công sửa chữa chuồng trại chăn nuôi phát triển kinh tế cho 75 hộ gia đình; bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho 79 người và hàng nghìn ngày công của cán bộ cơ sở, khu dân cư, nhân dân thôn, tổ thăm hỏi động viên, giúp đỡ.

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện cũng được quan tâm, chú trọng. Đến nay, 995 người được học nghề, chiếm 26,59% so với tổng số người được cai nghiện, trong đó có 375 người được học nghề tại Trung tâm, số còn lại được học nghề tại cộng đồng theo chương trình đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. 175 lượt người được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, bằng 4,67% so với tổng số người được cai nghiện.

Để  giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững, tỉnh Lào Cai đã tích cực, chủ động, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tùy thuộc vào điều kiện, khả năng cùng với chính quyền địa phương tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện.

Đến nay, số người sau cai nghiện từ 3 năm trở lên chưa tái nghiện trên địa bàn toàn tỉnh là 228 người, trong đó 35 người có việc làm ổn định, số còn lại  có việc làm nhưng chưa thực sự ổn định, có trên 20 người tham gia hoạt động tại Đội công tác xã hội tình nguyện và tham gia trong các nhóm đồng đẳng, bạn giúp bạn…

Tuy nhiên, công tác giúp đỡ tạo việc làm cho người sau cai nghiện vẫn gặp những khó khăn nhất định, đó là: đa phần người sau cai nghiện không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, trong khi đó trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, bản thân lười lao động, quen với lối sống buông thả nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ, giới thiệu và tạo việc làm cho họ. Sự nhìn nhận của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cộng đồng về người nghiện vẫn còn nặng nề, nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn e ngại, né tránh trong việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc tại cơ sở. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp.

Kinh nghiệm rút ra từ công tác giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là cần tạo được sự đồng thuận về nhận thức, quan điểm, giải pháp, đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, sát sao thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng. Thực tế cho thấy, nơi nào có được các nghị quyết chuyên đề của cấp uỷ Đảng, tạo được sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì nơi đó, công tác cai nghiện ma tuý được thực hiện có hiệu quả./.