Đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy Ngày đăng: 06/07/2018
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng có nhiều loại ma túy mới, đặc biệt là ma túy tổng hợp, nhưng đến nay, việc điều trị, cai nghiện ma túy lại chưa có đáp số, mục tiêu của chính sách cai nghiện đưa ra trong những năm qua còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tình hình sử dụng ma túy diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 11/2017, nước ta có trên 222.585 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện rất cao như Đồng Nai (87%), Đà Nẵng (85%), Trà Vinh (90,7%). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ” cũng xuất hiện ngày càng nhiều. 

Người nghiện ở tất cả các địa phương có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 0,1% dưới 16 tuổi, 76% dưới 35 tuổi. Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Báo cáo đánh giá của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại Hội thảo Đánh giá pháp luật và thực thi pháp luật về công tác cai nghiện ma túy ngày 27 tháng 6 năm 2018 tại Hà Nội cho thấy: Giai đoạn 1994 -2014, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng hơn 3 lần, trung bình tăng hơn 6.400 người/năm, giai đoạn 2015 -2017 trung bình tăng hơn 9.000 người/năm.

Tệ nạn nghiện ma túy phát triển theo các luồng di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động tự do đến các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và từ đó dịch chuyển trở lại nông thôn. 

Hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh lao động hiện nay.

Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là hơn 41%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là hơn 28%. 

Tỷ lệ người nghiện ma túy bình quân cả nước năm 1995 là 0,086% thì đến năm 2017 kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ người nghiện khoảng 0,38% dân số trong độ tuổi điều tra, trong đó, tỷ lệ có hồ sơ quản lý khoảng 0,23% dân số trong độ tuổi điều tra; số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý bằng khoảng 65% số có hồ sơ quản lý. Trong khi tỷ lệ người nghiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc so với cả nước có xu hướng giảm rõ rệt (từ khoảng 60% cuối năm 1994, nay duy trì ở mức dưới 30%) thì tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ ngày càng tăng (từ 13,6% năm 1994 tăng lên trên 30% năm 2016).

Một số điểm còn bất cập trong mục tiêu của chính sách cai nghiện ma túy

Đánh giá công tác tổ chức thi hành, ban hành văn bản quy định pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, có thể thấy chấm dứt việc sử dụng ma túy là mục tiêu lý tưởng nhưng việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy là rất khó, tỷ lệ thành công không cao. Những trường hợp bỏ ma túy lâu dài chủ yếu do các điều kiện xã hội tích cực, kiểm soát hành vi tốt. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các luật có liên quan chưa cụ thể, không rõ ràng. Nhiều quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa pháp luật về phòng chống ma túy và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện, cùng một nội dung nhưng mỗi địa phương thực hiện theo một cách khác nhau, nhiều quy định chưa phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền dẫn đến có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người nghiện đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, ở đây quan điểm xử lý vấn đề sử dụng ma túy là xử phạt để răn đe, còn nghiện ma túy thì xử phạt bằng biện pháp giáo dục hoặc cai nghiện và cách làm là xử lý tình trạng nghiện của người sử dụng ma túy. Thực tiễn cho thấy nghiện ma túy là tình trạng “người sử dụngchất ma túy, thuốc gây nghiện thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào chất này” đây là tình trạng sinh lý của cơ thể, không phải là hành vi vi phạm pháp luật, mà hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, thời gian cai nghiện là từ 1-2 năm. Đây là thời gian cho cả quy trình từ: “tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh đồng diễn; giáo dục tư vấn, phục hồi; lao động trị liệu, học nghề, phòng chống tái nghiện, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng”. Trong quy trình này thì Điều trị cắt cơn giải độc và điều trị phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý cần thiết phải quản lý tập trung để cách ly môi trường ma túy. Còn các giai đoạn khác không nhất thiết phải quản lý tập trung vì khó khăn cho các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Do đó, việc tập trung tại các cơ sở cai nghiện để điều trị phục hồi là cần thiết, nhưng quy định thời gian quản lý tập trung dài ngắn như thế nào phải dựa vào tần suất, thời gian và hình thức sử dụng, loại ma túy sử dụng để quy định cho phù hợp.

Thực tiễn cho thấy, quy định của pháp luật hiện nay bất kể người nghiện sử dụng loại ma túy nào, thời gian sử dụng bao nhiêu, hình thức sử dụng ra sao nếu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đều có thời hạn là 1 hoặc 2 năm. Nếu áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc cách ly với xã hội trong thời gian quá dài, quản lý thiếu thân thiện sẽ khiến người nghiện có nhận thức không đúng về điều trị nghiện dẫn đến khi trở về vẫn tiếp tục tìm cách sử dụng ma túy, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho chính họ và cộng đồng.

Chỉ số thống kê những năm qua cho thấy số người nghiện mới gia tăng và tỷ lệ tái sử dụng ma túy rất cao chứng tỏ hình phạt tù, xử lý hành chính cách ly xã hội thời gian dài đối với người nghiện đã không đạt được mục tiêu mong muốn là cai nghiện. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

Những năm qua chính sách của nhà nước đặt ra mục tiêu là cai nghiện nghĩa là người nghiện được đưa vào Cơ sở cai nghiện sau khi hết thời hạn phải bỏ hẳn ma túy, tái sử dụng coi như thất bại (nhận thức này xuất phát từ những căn cứ cách đây hơn 15 năm, khi đó những hiểu biết về nghiện ma túy còn hạn chế coi nghiện ma túy là sự lệch chuẩn về lối sống chứ không phải là một căn bệnh mãn tính của não bộ và có thể điều trị phục hồi. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái phát của điều trị nghiện ma túy cũng tương đương như tái phát của điều trị tiểu đường, tăng huyết áp v.v). Từ đó dẫn đến một số chính sách không phù hợp và thực thi chính sách không mang lại hiệu quả. Đây là hạn chế lớn nhất trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam thời gian qua.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy

Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013. Quan điểm của Đề án là nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về tâm lý, y tế, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Quan điểm này đánh dấu một chuyển biến rõ nét người nghiện ma túy được coi là người bệnh khi tham gia điều trị ma túy. Quan điểm này cho thấy đổi mới công tác cai nghiện ma túy nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Có thể coi nghiện ma túy như một bệnh nhưng không thể can thiệp bằng các phác đồ điều trị như những bệnh bình thường. Để công tác điều trị, cai nghiện hiệu quả thì chính sách phải hướng tới tất cả các nhóm đối tượng, ở tất cả các mặt: dự phòng, hỗ trợ tâm lý, xã hội, sinh kế, can thiệp y tế, tâm lý, can thiệp giảm hại, can thiệp bằng pháp luật mới mong có hiệu quả.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải tiếp cận vào bản chất của vấn đề “sử dụng trái phép chất ma túy” và “nghiện ma túy” với một cách khách quan, khoa học và đánh giá đúng hệ quả của nó để xác định lại mục tiêu phù hợp và có một quan điểm đúng đắn định hướng các chính sách cho thực tiễn, hiệu quả. Mục tiêu điều trị, cai nghiện như quan điểm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy là nhằm giảm tác hại và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Trong quá trình điều trị sẽ có rất nhiều người có quyết tâm cao được sự giúp đỡ tích cực của gia đình và cộng đồng họ sẽ từ bỏ ma túy hòa nhập với xã hội, tuy nhiên, cũng có rất nhiều người phải điều trị lâu dài, thậm chí cả đời cũng như các bệnh mãn tính khác. Đối với người nghiện ma túy khi họ tự nguyện điều trị các cơ quan chức năng coi đó là cánh cửa tiếp cận họ để có thể đưa các can thiệp hỗ trợ tư vấn, tâm lý, y tế và các giải pháp xã hội khác như dạy nghề, vay vốn tạo việc làm giúp họ hòa nhập cộng đồng. Do đó, cần đưa tình trạng nghiện ma túy ra khỏi nội hàm của khái niệm tệ nạn xã hội; đồng thời, bổ sung, đổi mới biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế về vấn đề quyền con người mà Việt Nam tham gia. Xử lý người sử dụng ma túy hiện nay là hướng tới xử lý mức độ của hành vi sử dụng ma túy trái phép, tùy từng tính chất, mức độ và liều lượng khác nhau để có những biện pháp can thiệp như tư vấn, y tế, xã hội, pháp luật phù hợp.

Từ quan điểm đổi mới cách tiếp cận người sử dụng ma túy thì việc thực thi công tác điều trị cai nghiện ở các địa phương cần phải đổi mới một cách toàn diện từ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đến các Cơ sở cai nghiện. Mục tiêu là làm cho nhiều người nghiện được tiếp cận với tư vấn, điều trị cai nghiện, từ đó giúp họ ổn định sức khỏe, tâm lý, tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định hòa nhập cộng đồng.

Phải xem xét người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy dưới các góc độ: về hành vi thì họ có hành vi nguy hiểm cần can thiệp kịp thời, về sinh học thì họ là những người bị tổn thương ở não bộ, cần phải chữa trị, về tâm lý cần được tư vấn, giáo dục nâng cao nhận thức, trên nguyên tắc chia sẻ và tôn trọng, về xã hội cần được học nghề, vay vốn sản xuất tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Các cơ sở cai nghiện ma túy tại các địa phương cần phát triển các Điểm tư vấn, hỗ trợ, cai nghiện điều trị tại các khu dân cư có nhiều người sử dụng ma túy trái phép. Bố trí người làm việc chuyên trách tại các Điểm tư vấn, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng và được trang bị công cụ phương tiện hoạt động cho cán bộ này. Tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ Điểm tư vấn, điều trị nghiện và Cơ sở cai nghiện gắn với thực hành, tài liệu được chuẩn hóa thống nhất bằng văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành, đồng thời, phù hợp với đặc điểm mỗi vùng miền đất nước.

Biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cần đổi mới toàn diện để đảm báo tính hợp lý, khả thi và hiệu quả. Đây là mô hình bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam nhất là vấn đề quyền con người, quyền công dân vì đây là môi trường người nghiện được quan tâm, chăm sóc của gia đình, cộng đồng, được cả xã hội quan tâm, chia sẻ. Theo đó Nhà nước cần có chính sách đảm bảo kinh phí cho tất cả mọi người cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; giao cho các Điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng trực tiếp thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ xã hội chính quy, chuyên nghiệp làm nòng cốt; lấy giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế bền vững làm trọng tâm để giúp người nghiện ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng./.

Cao Nhất Phiến