THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN ĐỂ TẠO NHIỀU CƠ HỘI CHO TRẺ EM ĐƯỢC CAI NGHIỆN Ngày đăng: 05/06/2018
Trẻ em (TE) nghiện ma túy là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Dù đã có nhiều hình thức cai nghiện nhưng trong thực tế còn nhiều em thuộc diện "cá biệt" không được cai nghiện, cần có cách tiếp cận mới để xử lý tình hình cấp bách hiện nay.

 

 

Nhiều em không thể cai nghiện tự nguyện

Trước năm 2014, người nghiện chưa thành niên (từ 12 đến dưới 18 tuổi) thuộc diện cai nghiện bắt buộc nhưng không phải là biện pháp xử lý hành chính. Ở các tỉnh, thành phố, Cơ sở cai nghiện bố trí khu vực riêng dành cho các em và thực hiện 1 chương trình cai nghiện riêng phù hợp với đặc thù lứa tuổi. TP Hồ Chí Minh có 1 cơ sở riêng là Trung tâm thanh thiếu niên 2 (đóng trên địa bàn huyện Củ Chi) chủ yếu cai cho lứa tuổi thiếu niên, lúc nào cũng có vài trăm em. Sau 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cai nghiện "bắt buộc" cho lứa tuổi này nữa. Từ đây, cai nghiện cho các em chủ yếu là cai nghiện tự nguyện với các hình thức: cai tại gia đình, cai tự nguyện trong các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cai tự nguyện tại các cơ sở tư nhân… Một số ít cai tại các trường giáo dưỡng khi các em là đối tượng vào các trường này.

Tuy nhiên, quy định mới tạo ra một khoảng trống, hiện tại có nhiều gia đình không thể tiếp tục đưa con em đi cai nghiện do điều kiện kinh tế một phần mà chủ yếu do các em chống đối, bất hợp tác.

Tâm sự của 1 người đàn ông sống ở Hà Nội trong hoàn cảnh đau khổ, bế tắc: "Bên họ ngoại gia đình tôi có 2 đứa cháu, không may, cả 2 đều nghiện ma túy, đều đã từng đi cai nghiện tự nguyện rất nhiều lần nhưng về lại tái nghiện.
 Việc này đã diễn ra nhiều năm nay, gia đình chúng tôi sống rất khổ sở. Chúng thường xuyên đập phá đồ đạc, đánh đập và dùng vũ lực với ông bà, thậm chí, cả mẹ chúng khi không xin được tiền. Ông bà tôi đã kiệt quệ, chỉ sống bằng đồng lương hưu mà bị 2 đứa cháu bóc lột, hành hạ, tra tấn tinh thần ngày này qua ngày khác. Gần đây nhất, ông tôi do không chịu được sự hành hạ tinh thần, đã mất. Tôi rất buồn, mong chúng ngộ ra nhưng chúng không hề thay đổi gì, vẫn ngày đêm đập phá, thậm chí, đám tang ông chúng còn không thèm đi. Vừa rồi, chúng tôi đã chuyển bà lên nhà mới ở KĐT Linh Đàm (trước ở Nguyễn Thái Học) để tránh xa tệ nạn nhưng chúng vẫn hút chích, thậm chí, còn mời bạn bè lên nhà để hút. Khi gọi công an phường đến, họ chỉ khuyên giải, lần 1, lần 2, họ không lên nữa, họ nói phải có đơn cai tự nguyện của hai đứa, nhưng có bao giờ chúng muốn đi cai. Chúng tôi cũng không biết cầu cứu vào ai. Sáng nay, chúng lại đánh mẹ, thằng nhỏ đấm vào mặt mẹ nó chảy máu mắt…".

Tình trạng trên khá phổ biến. Không ít trường hợp, để có tiền dùng ma túy, nhiều TE đã lừa đảo gia đình, người thân, ra đường ăn cắp, ăn trộm, bỏ nhà đi lang thang, tụ tập cãi nhau, đánh lộn, sử dụng ma túy trước mặt anh em trong nhà, "phê, ngáo" tại chỗ…và bỏ trốn, thậm chí đe dọa (đánh, giết bố mẹ, đốt nhà…) mỗi khi được khuyên nhủ đi cai nghiện. Những gia đình như vậy sống trong kiệt quệ, lo lắng, hoang mang.

Trước thực trạng đáng lo đó, mấy năm trước,Thường trực HĐND TP HCM đã làm việc với Thường trực UBND bàn về cai nghiện cho lứa tuổi dưới 18. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho rằng: “Mấy em còn nhỏ, mình không lo cho nó, cứ giải độc cắt cơn 15 ngày xong lại trả về cho gia đình theo như quy định hiện nay mà không theo dõi, quan tâm để rồi các em nghiện đi nghiện lại mãi ảnh hưởng đến việc học hành, công ăn việc làm thì không ổn”. Cùng mối quan tâm, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho rằng, những em nhỏ mới nghiện là đối tượng rất cần được quan tâm, cần phải được tiếp cận ngay để đưa các em trở về con đường sáng. Bà Tâm đề nghị sắp tới nên giao cho các cơ sở xã hội chăm sóc người nghiện dưới 18 tuổi với những điều kiện đặc biệt hơn so với người nghiện lớn tuổi, nghiện lâu năm để bảo đảm an toàn cho nhóm đối tượng này trong quá trình cai nghiện. “Chỉ cần gia đình tự nguyện giao các em cho mình để mình lo vụ này thì đây là việc TP rất nên làm”- bà Tâm nói.

Tuy nhiên, đến nay, TP HCM vẫn chưa thực hiện được tinh thần của cuộc họp vì vướng mắc quy định của luật pháp.

Vấn đề bức xúc của xã hội

Theo số liệu báo cáo, khoảng 8% trong số người nghiện có hồ sơ quản lý sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi. Trong bối cảnh các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự lôi kéo của bọn xấu, nhiều em 13-14 tuổi đã nghiện ma túy. Nếu không được cai nghiện sớm thì liều lượng ma túy sử dụng hàng ngày tăng lên, sự lệ thuộc thể chất và tâm lý, tính chất bệnh lý tâm thần, sự lệch chuẩn hành vi ngày càng trầm trọng, các bệnh khác từ ma túy ngày càng phát triển nặng nề…khiến cho việc cai nghiên phục hồi hết sức khó khăn. Theo một số chuyên gia, nghiện ma túy ở lứa tuổi đang lớn "khôn khôn dại dại", nhân cách chưa hoàn thiện, mang nhiều cá tính, mạnh mẽ, bất cần, thường lôi kéo nhiều bạn bè vào nghiện đã để lại nhiều hậu quả bất an cho xã hội và nỗi đau của các gia đình. Việc họ mất đi tuổi trẻ trong sáng và cống hiến thay vào đó là những người bệnh hoạn, phạm tội đã thấy trước mắt.

Nếu căn cứ theo văn bản pháp luật hiện hành về quyền công dân, quyền trẻ em thì sẽ có một lớp trẻ không tiếp cận được các dịch vụ cai nghiện cần thiết đối với họ. Suy cho cùng, chính sách, pháp luật ban hành để phục vụ con người. Tính ưu việt của chính sách, pháp luật là tiệm cận những mong muốn hay giải quyết những bức xúc chính đáng của cuộc sống đặt ra. Chính sách cần bám sát thực tiễn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung được các Luật, đề xuất Chính phủ và cơ quan chức năng xem xét có cách tiếp cận mới như một giải pháp xử lý tình huống cấp thiết về TE nghiện mà vẫn đảm bảo tính pháp lý.

Một cách tiếp cận thực tế cai nghiện trẻ em

Luận điểm tiếp cận mới là không dùng khái niệm cai nghiện "bắt buộc", "cưỡng chế" hay áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà là chăm sóc sức khỏe, cách ly  môi trường ma túy và bạo lực cho TE hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em. Cụ thể, về cơ sở pháp lý: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh (Điều 14); Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 29); Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp, bao gồm: a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp; b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em (Điều 50).

Đối chiếu các quy định trên, đúng một cách "điển hình" với TE nghiện ma túy. Nghiện ma túy là bệnh tâm thần đặc biệt cần phải chữa trị công phu; cách ly chữa trị là một hình thức rõ nhất để bảo vệ các các em khỏi ma túy; cai nghiện là thực hiện quy trình, phác đồ chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tâm hồn; cai nghiện tại cơ sở cai nghiện là biện pháp can thiệp tốt nhất cách ly tạm thời các em khỏi môi trường bị đe dọa, bạo lực (từ bọn tội phạm, thậm chí, từ bạn bè sử dụng ma túy, người thân…), hơn nữa còn ngăn được bạo lực "ngược" từ TE với bố mẹ, người thân.

Về cơ sở thực tiễn rất phong phú: hàng chục năm nay, các cơ sở cai nghiện đã có kinh nghiện tiếp nhận TE dưới 18 tuổi vào cai nghiện và không có vấn đề gì xảy ra. Những hình thức cai nghiện tự nguyện hiện nay (tại cơ sở nhà nước, tư nhân) cũng là cách ly các em khỏi môi trường ma túy trong thời gian nhất định.

Về biện pháp thực hiện: áp dụng theo Điều 52 Luật trẻ em, khi kế hoạch hỗ trợ tại cộng đồng cho TE nghiện ma túy không thực hiện được, TE từ chối cai nghiện tự nguyện, sau khi có ý kiến của gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan LĐTB&XH cấp huyện đề nghị Tòa án cấp huyện ra quyết định cách ly cha mẹ, áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế bằng cách đưa TE vào Cơ sở cai nghiện (được coi là một dạng cơ sở trợ giúp xã hội vì các cơ sở khác không có nghiệp vụ bảo vệ và tổ chức cai nghiện) trong thời gian nhất định. Cơ sở cai nghiện bố trí khu vực riêng và tổ chức cai nghiện phục hồi cho TE, thực hiện các chế độ theo quy định. Việc Tòa án quyết định thời gian cách ly, chăm sóc như trên là đảm bảo quyền TE theo quy định.

Nếu thực hiện được cách tiếp cận này sẽ có hàng nghìn TE được cai nghiện phục hồi, ngăn chặn được nhiều vấn đề mang tính tiêu cực về sức khỏe, nhân cách của các em, góp phần hạn chế lây lan nghiện ma túy trong giới trẻ. Trên khía cạnh bảo vệ con người và xã hội, việc cai nghiện cho TE theo cách tiếp cận này thực sự mang tính nhân đạo sâu sắc.

Và cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như triển khai chương trình Dự phòng nghiện trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, can thiệp sớm khi mới sử dụng ma túy, phát triển cai nghiện tự nguyện cho người mới mắc nghiện, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh thì cách tiếp cận mới cai nghiện TE là thiết thực thực hiện chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy"./.

Lê Hiền