Một số kết quả về công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang Ngày đăng: 28/02/2018
Thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020. Sở LĐ- TB&XH tỉnh An Giang đã tập trung chuyển đổi, thực hiện mô hình hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng đa chức năng (thành lập Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội và Cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội ). Tích cực phối hợp với các sở ngành và địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt, thúc đẩy công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh. Chủ động tham gia tổng kết đánh giá 10 năm công tác triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trong lĩnh vực cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Tích cực hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ chức và Hội cựu chiến binh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống ma túy gắn với phòng, chống HIV/AIDS, nhất là vào các dịp cao điểm các ngày truyền thông, các dịp lễ và tháng hành động. Phối hợp tổ chức 68 buổi tuyên truyền với 5.074 lượt cán bộ cơ sở và người dân tham dự (trong đó có 300 lượt học viên và 54 cán bộ, viên chức của Cơ sở điều trị, cai nghiện tham dự); in ấn và cấp phát 26.700 tờ bướm, 200 tập san và 300 quyển sổ tay tuyên truyền, tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 1.080 lượt cán bộ các ngành, đoàn thể ở cơ sở và tình nguyện viên của 12 Đội công tác xã hội tình nguyện. Ngoài ra, các địa phương và đoàn thể các cấp đã tổ chức hơn 700 buổi lồng ghép tuyên truyền với 3. 715 người tham dự, các phương tiện truyền thông như Đài, Báo cũng tăng thời lượng phát sóng các chuyên mục và tin, bài tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Chủ động cùng với Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tổ chức đối thoại với các địa phương, gia đình và học viên cai nghiện nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy công tác quản lý và tổ chức cai nghiện đạt hiệu quả hơn. Tích cực hướng dẫn thực hiện thí điểm Mạng lưới câu lạc bộ “Hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn Long Xuyên. Cùng với các ngành, đoàn thể địa phương quan tâm thúc đẩy phong trào tình nguyện quản lý và hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.330 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý, trong năm đã thực hiện quản lý giáo dục tại cộng đồng 246 đối tượng, hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 04 đối tượng 20 triệu đồng; hỗ trợ tư vấn tìm việc làm 86 đối tượng, hỗ trợ học nghề 62 đối tượng với số tiền 48 triệu đồng, hỗ tợ tư vấn pháp lý 16 đối tượng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các điểm tư vấn, cấp phát thuốc điều trị thay thế Methadone tại cơ sở xã, phường, thị trấn.

Trong năm 2017 đã tiếp nhận mới, quản lý, tư vấn tâm lý, cai nghiện tập trung tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh cho 2.385 lượt đối tượng; trong đó cai nghiện tập trung 552 người; đối tượng xã hội theo Đề án 190 là 1.833 lượt người.

Tại các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy đã khám và điều trị bệnh thông thường cho 16.434 lượt học viên; điều trị bệnh nhiễm trung cơ hội cho 3.164 lượt người, điều trị ARV cho 1.007 lượt học viên…

Tư vấn thông tin ban đầu 437 người, tổ chức truyền thông với trên 2.100 lượt học viên tham dự; bế giảng 03 lớp nghề xây dựng cho 90 người, lớp nghề sửa xe cho 30 người, 02 lớp xóa mù chữ mức I đợt II cho 20 người. Duy trì lớp sửa xe gắn với với 30 học viên, 01 lớp gia công ghế với 55 học viên. Tổ chức 1.608 đợt với 68.361 học viên tham gia lao động sản xuất, giải quyết cho 2.037 người có thành tích tốt gọi điện về hỏi thăm gia đình.

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện. Thực hiện tốt Chỉ thị 25/CT- TTg ngày 1/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Tiếp tục phối hợp làm tốt việc phát hiện, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy. Đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ điều trị. Phát triển các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả tại cộng đồng. Phát triển mạng lưới cơ sở điều trị thay thế và các dịch vụ điều trị nghiện. Tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện.

Hoàng Duy