Lạng Sơn với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 28/02/2018
Năm 2017, thực hiện Đề án về “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc tiếp nhận công dân do phía Trung Quốc trao trả và giải quyết các thủ tục theo quy định.

Ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với mọi đối tượng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống mua bán người lồng ghép với các chương trình tuyên truyền phòng chống  ma tuý, mại dâm và xây dựng đời sống văn hoá.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho 563 cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội từ cấp thôn bản, khối phố đến xã phường, thị trấn và cấp huyện, thành phố về công tác xác định nạn nhân, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, trình tự thủ tục và cơ chế phối hợp liên ngành trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. In, cấp phát 3.704 tờ rơi với nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội 11 huyện, thành phố. Cử báo cáo viên phối hợp tập huấn về công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội cho hơn 1.000 lượt cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn.

Trong năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 12 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, trong đó có 02 nạn nhân là trẻ em; đặc biệt có 01 nạn nhân quốc tịch Cămpuchia mang theo con nhỏ. Số nạn nhân trên đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội và bố trí chỗ ăn, nghỉ, bảo vệ, quản lý, kiểm tra sức khoẻ và chữa bệnh ban đầu. Đồng thời, thực hiện tốt việc trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường, đưa đối tượng ra bến tàu, bến xe trở về quê hoặc liên hệ với gia đình, người thân đến đón nạn nhân hoặc bố trí cán bộ và phương tiện đưa nạn nhân về gia đình đối với nạn nhân là trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn gặp một số khó khăn như:  sự phối hợp giữa các ngành chức năng và các tổ chức có liên quan trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân còn nhiều hạn chế do chưa có quy chế phối hợp liên ngành theo Luật phòng chống mua bán người. Cán bộ các ngành, đoàn thể ở một số địa phương đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn còn xem nhẹ công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, coi đó là việc của cá nhân, của gia đình nạn nhân, chưa coi đó là trách nhiệm của cộng đồng.

Do khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí chi cho việc hỗ trợ nạn nhân còn thiếu và rất hạn chế nên những nạn nhân hiện nay chỉ được hưởng hỗ trợ ban đầu như ăn uống, chỗ ngủ, quần áo. Các nội dung hỗ trợ khác như sinh hoạt văn hóa, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để ổn định đời sống cho các nạn nhân chưa thực hiện được.

Việc tận dụng và bố trí khu nhà ở của các cháu mồ côi, khuyết tật để làm nơi ở cho các nạn nhân khi trở về đã gây những xáo trộn không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của các cháu mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây, đồng thời cũng gây những khó khăn trong công tác quản lý của Trung tâm Bảo trợ Xã hội.

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá nhu cầu hỗ trợ của nạn nhân bị mua bán trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ Xã hội chuẩn bị tốt các cơ sở vật chất và các điều kiện để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tiếp nhận nạn nhân bị mua bán khi các lực lượng chức năng chuyển đến. Phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán giúp họ ổn định tinh thần và cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Tăng cường phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn, kiến thức kỹ thuật sản xuất, dạy nghề và tạo việc làm.

Lan Anh