Điện Biên đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 08/03/2018
Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã làm tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, kịp thời quán triệt, xây dựng và ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, Đề án của Chương trình hành động Phòng, chống mua bán người (MBN); huy động được sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân vào công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm nói chung, tội phạm MBN nói riêng, qua đó đã góp phần kiêm chế hoạt động của tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh.

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ then chốt trong công tác phòng, chống MBN, các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thị, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm MBN tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm MBN, từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và tinh thần cảnh giác của các tầng lớp nhân dân.

Điển hình như thông qua các buổi họp tổ dân phố, họp thôn, bản... tại các địa bàn dân cư, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 94 buổi tuyên truyền thu hút trên 17.400 lượt người tham gia; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an tổ chức 01 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực trong Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạmMBN” cho 70 đồng chí là Điều tra viên, trinh sát viên và trưởng Công an xã; duy trì 28 hòm thư tố giác tội phạm tại các địa bàn trọng điểm góp phần nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác có liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm MBN nói riêng.

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin, giới thiệu đường dây nóng 18001567 về phòng, chống MBN; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống MBN cho 265 cán bộ, hội viên nòng cốt ở cơ sở, tuyên truyền pháp luật lưu động, lồng ghép các nội dung về phòng, chống MBN 276 lượt với gần 25.000 lượt người tham gia.

Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục duy trì ổn định hoạt động 110 Câu lạc bộ pháp luật. Trong đó, có 84 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, 14 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 12 Câu lạc bộ pháp luật cho các đổi tượng khác là nông dân và thanh niên.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; củng cố và duy trì hoạt động của 591 câu lạc bộ như các câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm”; “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ với pháp luật”... 353 các mô hình "Chi tổ phụ nữ không có hội viên, người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội", 179 mô hình "Chi tổ phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện ma tuý, hạn chế tái nghiện”.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tình đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức 135 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, MBN cho trên 6.200 lượt người dân khu vực biên giới; qua đó đã góp phân nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tự chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh tố giác các loại tôi pham cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người ở vùng giáp biên.

Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 24 văn bản hành chính nhà nước về tuyên truyền, cảnh báo, đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm; chủ động xây dựng, biên tập và phát hành 2.000 đĩa CD với nội dung tuyên truyền về công tác nhận biết, phòng ngừa với một số loại ma túy mới, tội phạm MBN triển khai tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.

Trong công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình hoạt động của tội phạm MBN, lực lượng Công an đã làm tốt phối hợp với các lực lượng vũ trang, và các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày trên địa bàn nghi bị mua bán, số nạn nhân bị mua bán tự trở về để kịp thời xác minh, làm rõ. Kết quả trong năm 2017 đã phát hiện, điều tra làm rõ 15 vụ, bắt 32 đối tượng về hành vi MBN, giải cứu thành công 16 nạn nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình. Các trường hợp được tiếp nhận, giải cứu sau khi trở về địa phương đã được chính quyền cơ sở nơi cư trú phối hợp cùng các ngành chức năng quản lý, theo dõi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, ngày 12/02/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 396/KH- UBND về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2018. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa mua bán người, chú trọng kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, từng bước kiềm chế và làm giảm sự gia tăng tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán người ra nước ngoài. Kịp thời xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, tạo điều kiện để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm của hoạch là tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án của Chương trình hành động phòng, chống MBN; trong đó tập đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật; nghiên cứu xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình chuyên sâu về phòng, chống MBN, mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; chỉ đạo các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh tin báo, tố giác; nhanh chóng điều tra, làm rõ các vụ án MBN xảy ra trên địa bàn, kịp thời bắt giữ đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân. Tổ chức làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân và người thân thích của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn địa bàn triển khai xây dựng thí điểm 1 đến 2 mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh./.

T. T