Cảnh giác trước thủ đoạn dùng facebook để lừa đảo, bán người qua biên giới Ngày đăng: 08/03/2018
Ngày 22⁄1, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố hình sự và tạm giam đối tượng Trần Ánh Tuyết sinh năm 1991, trú tại đường Văn Vỉ, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn về tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ Luật hình sự. Được biết, Tuyết đã sử dụng mạng xã hội facebook để lừa đảo, buôn bán nhiều nạn nhân.

Thời gian qua, dư luận tại một khu phố trung tâm của thành phố Lạng Sơn lại xôn xao câu chuyện về nạn buôn người qua biên giới. Qua câu chuyện về thủ đoạn của đối tượng, bài học đề cao cảnh giác - tưởng như ai cũng biết - vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối.

Cụ thể, đối tượng Trần Ánh Tuyết đã dùng tài khoản facebook ảo có tên “Lê Yến“ để lừa đảo, bán nhiều người sang Trung Quốc. Khoảng đầu tháng 9/2017, Tuyết sang kho hàng bên Lũng Vài – Trung Quốc để mua hàng điện tử về bán. Tại đây, Tuyết có quen một người phụ nữ Việt Nam tên Quỳnh và đồng ý với Quỳnh đưa người sang bên Trung Quốc bán với giá 15 triệu đồng tiền Việt Nam một người.

Sau đó, Tuyết về Việt Nam, dùng tài khoản facebook nói trên để rủ rê, lôi kéo các bạn gái nhẹ dạ cả tin sang Trung Quốc với Tuyết lấy hàng điện tử về bán. Trong đó, có chị Hoàng Thị H ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Chị H đã đồng ý và đi đường mòn biên giới vượt biên cùng Tuyết sang Lũng Vài, Trung Quốc. Tại đây, Tuyết bán chị H cho đối tượng Quỳnh với giá 15.000.000đ. Sau đó, Quỳnh lại bán chị H vào sâu trong nội địa với giá 600 triệu đồng tiền Việt Nam để làm gái mại dâm.

Tại Trung Quốc, chị H bị cơ quan chức năng phát hiện không có giấy tờ hợp pháp, bị bắt giữ và trục xuất về Việt Nam. Ngày 20/1, do biết mình bị lừa bán, H đã trình báo với cơ quan công an về hành vi mua bán người của đối tượng Trần Ánh Tuyết. Ngay sau đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ đối tượng. Tại cơ quan điều tra, Tuyết khai nhận đã bán trót lọt nhiều cô gái tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc. 

Việc đối tượng Tuyết lừa bán hàng loạt nạn nhân sang biên giới khiến nhiều người phải giật mình. Trước tình trạng nạn buôn người hoành hành ở nhiều nơi, đã có các cuộc tuyên truyền vận động và phần đông người dân đều đã được trang bị kiến thức về mối hiểm họa trên. Tuy nhiên, thủ đoạn của những kẻ buôn người đã thay đổi. Đặc biệt, chúng có thể nhắm vào chính những người dân tưởng chừng không xa lạ gì với vùng biên, với hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc. Lợi dụng sự tin tưởng của nạn nhân, ngay sau khi sang bên kia biên giới, những kẻ buôn người sẽ lập tức cấu kết với các đối tượng khác để đẩy người bị hại vào thế “trở tay không kịp”. Nạn nhân thậm chí có thể bị bán "sang tay" nhiều lần, càng ngày càng bị đưa vào sâu trong nội địa nếu không được cơ quan chức năng phát hiện và giải cứu kịp thời.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn buôn người của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao cảnh giác hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức, mà mỗi người còn phải có các phương án xử lý thực tế khi ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thủ đoạn của những kẻ buôn người

Môi giới lao động là một trong số các thủ đoạn thường dùng của tội phạm buôn bán người, buôn bán phụ nữ vì nhu cầu lao động, kiếm việc làm của người Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa là rất lớn. Các đối tượng buôn bán người nắm được tâm lý này, hứa hẹn sẽ giới thiệu người lao động sang Trung Quốc làm việc nhẹ nhàng mà kiếm được nhiều tiền, trong khi người dân lại dễ mắc lừa.

Theo Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thịnh, trong năm 2015, sứ quán tiếp nhận 54 trường hợp, giải cứu được 26 trường hợp. Trong số 54 nạn nhân, có 24 người là phụ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang bị lừa bán. 20 phụ nữ là người thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ một số ít là người các tỉnh khác.

Nguồn thoidai.com.vn