Ngăn chặn hiểm họa từ 'ngáo đá': Cách làm của Đà Nẵng Ngày đăng: 08/03/2018
Du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, bắt đầu ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng..., ma túy tổng hợp (MTTH), đặc biệt là ma túy “đá” dần len lỏi từ thành thị đến nông thôn, “áp đảo” các loại ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện. Hậu quả mà ma túy nói chung, ma túy “đá” nói riêng gây ra cho xã hội thì đã rõ, nhưng để hạn chế nó không phải là cuộc chiến dễ dàng.

Rất dễ bị lợi dụng

Hậu quả của ma túy “đá” khiến con người có những biểu hiện điên dại, hoang tưởng, bạo lực… khác hẳn với những tác hại của heroin, thuốc phiện. Ngày càng nhiều vụ án giết người thương tâm xảy ra mà nguyên nhân được xác định là “ngáo đá”.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH) TP.Đà Nẵng cho rằng, hiện đang có xu thế dịch chuyển từ sử dụng các loại ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin) sang MTTH (thuốc lắc, ma túy đá, cỏ Mỹ)... Nguyên nhân theo ông Hùng thì có nhiều, nhưng tựu chung lại là ma túy đá dễ mua, dễ sử dụng, và đặc biệt là dễ thể hiện được đẳng cấp “dân chơi”.

“Do nhận thức của một bộ phận không nhỏ người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên cho rằng, sử dụng MTTH không gây nghiện, có thể sử dụng chung mà không sợ lây nhiễm các loại bệnh tật khác. Hơn nữa, MTTH được nhiều đối tượng, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn sử dụng để thể hiện đẳng cấp của mình”, ông Hùng phân tích.

Vì dễ sử dụng nên cũng có không ít trường hợp, nhất là thanh thiếu niên thích đua đòi, nữ giới làm việc trong môi trường “nhạy cảm” bị các đối tượng tội phạm lợi dụng sơ hở để lôi kéo, đưa “vào tròng” lúc nào không hay.

Ông Hùng kể, cách đây không lâu, khi Tổ Liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thì nhận thấy có nhiều đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành test thì phát hiện trong số này có một số người dương tính với ma túy, trong đó có 2 cô gái phục vụ tại quán. Khi công bố kết quả kiểm tra, 2 cô gái này một mực khẳng định từ trước đến nay không hề sử dụng ma túy hay các chất kích thích gây nghiện. Thế nhưng khi biết nguyên nhân là những vị khách đến quán đã lợi dụng sơ hở rồi bỏ ma túy vào nước uống thì họ mới ngã ngửa...

Liên quan đến các vụ trọng án xảy ra trong thời gian qua do các đối tượng “ngáo đá” gây ra, ông Hùng nhìn nhận, nguyên nhân phát sinh không phải là do thù hằn, mâu thuẫn gì, mà chủ yếu là do ảo giác “ngáo đá” bộc phát. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng không hề biết mình đang làm gì, khi hồi tỉnh lại thì mọi chuyện đã quá muộn.

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền tác hại của ma túy “đá” nhưng không ít thanh thiếu niên vẫn đang thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách sử dụng ma túy “đá”. Thanh thiếu niên hiện nay có rất nhiều bạn trẻ sử dụng ma túy “đá” để chứng tỏ bản thân, vì tò mò, vì bị rủ rê, lôi kéo… từ những cuộc vui đi bar đêm, sinh nhật, tiệc tùng ăn mừng. Quà tặng nhau đôi khi là vài “chấm đá” đều trở thành những món quà vô cùng thích thú, làm cuộc vui thăng hoa nhiều ngày, nhiều giờ liên tục. Hậu quả khôn lường của “ngáo đá” trong thời gian qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bạn trẻ đó đây vẫn đang si mê, cuồng dại trong cơn “cuộn đá”. Xã hội cũng đang “oằn mình” gánh những hậu quả của “ngáo đá” mang lại.

“Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối, tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn cho xã hội. Tuy nhiên, để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng này là điều không hề đơn giản, đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội trong cuộc chiến đầy cam go và phức tạp với nạn buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay”, ông Hùng nói.

Cách làm của Đà Nẵng?

Tại Đà Nẵng, sau khi xảy ra 2 vụ việc như đã nói ở trên trong năm 2016, lực lượng Công an đã thống kê hơn 150 trường hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”. Ngay sau đó, tháng 3/2017, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 901 cho phép tiếp nhận người bị loạn thần, có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội vào cơ sở y tế để chữa bệnh.

“Có thể nói đây là quyết định rất mạnh dạn và nhân văn của TP.Đà Nẵng. Bởi hiện nay, tại Việt Nam chưa có luật về sức khỏe tinh thần hay cụ thể luật nào quy định phải đưa người có dấu hiệu loạn thần vào cơ sở y tế. Các cơ sở y tế muốn tiếp nhận không biết dựa trên căn cứ pháp lý nào, và khi có sự cố xảy ra cũng không quy định ai đứng ra chịu trách nhiệm. Còn với Đà Nẵng, khi đưa ra quyết định trên đã tạo căn cứ pháp lý và trách nhiệm trong việc tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần. Bên cạnh đó, cách làm này sẽ giúp cho những người sử dụng ma túy có dấu hiệu loạn thần được chăm sóc điều trị trong môi trường y tế lành mạnh, lại không chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Ngoài ra còn hạn chế những nguy hiểm mà họ gây ra cho bản thân và những người xung  quanh”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng nói thêm, khi tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần vào cơ sở chữa bệnh, thành phố chịu toàn bộ phí tổn, điều trị, tạo chỗ ăn ở và điều trị miễn phí cho đến khi họ về lại cộng đồng. Ông Hùng khẳng định: “Có thể thấy, đây là minh chứng cho sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền thành phố. Việc làm này đã đem lại hiệu quả tích cực, khi mà từ đó đến nay, số người có hành vi nguy hiểm, có thể gây ra những vụ án đau lòng do ảo giác từ ma túy trên địa bàn thành phố đã cơ bản được ngăn chặn”.

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, đó là xử phạt tội phạm “ngáo đá” gây án như thế nào? Theo Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), người phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” và có lỗi, tự đẩy mình vào tình trạng “ngáo đá” (không bị người khác dùng vũ lực ép buộc sử dụng ma túy) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các vi phạm đã thực hiện.

“Việc sử dụng ma túy là trái pháp luật và tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì thế, phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” là tình tiết tăng nặng, thay vì giảm nhẹ như nhiều người nghĩ”, luật sư Đỗ Pháp khẳng định. Bởi theo ông, thứ nhất, “ma túy đá” chính là một dạng ma túy bị pháp luật cấm sử dụng; thứ hai, người “ngáo đá” là người tuy ý thức được việc mình đang có hành động vi phạm pháp luật (sử dụng ma túy) nhưng vẫn cố tình thực hiện. Tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 ngày 27/11/2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo CA