Hà Nội: Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 07/03/2018
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 12.904 người nghiện ma túy, trong đó 1.413 người đang cai nghiện, quản lý sau cai tại Cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố, 1.452 người trong Trại tạm giam, nhà tạm giữ, 8.858 người có mặt tại cộng đồng, hơn 1.000 người đang vắng mặt tại địa phương. Theo báo cáo, toàn thành phố còn 16 điểm, tụ điểm mại dâm, 6.041 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Để giữ vững trật tự xã hội và kiểm soát địa bàn không để tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp, năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có các kế hoạch về phòng, chống mại dâm, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2017 - 2020.  

Trong công tác khuyến khích người nghiện ma túy tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện ma túy, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, phân công cho các tình nguyện viên đến các gia đình có người trong diện nguy cơ cao, người nghiện ma túy, người quản lý sau cai để tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn cho gia đình người nghiện, bản thân người nghiện về tác hại của ma túy, lợi ích của việc cai nghiện và các hình thức điều trị, cai nghiện để họ lựa chọn phù hợp với bản thân và gia đình.

Năm 2017, lực lượng tình nguyện viên đã tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho hàng ngàn lượt hộ gia đình có người trong diện nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; vận động 8.230 hộ gia đình ký cam kết xây dựng gia đình không có tệ nạn ma túy; giúp đỡ 1.754 người nghiện ma túy tham gia 01 hình thức cai nghiện; đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ dạy nghề cho 162 người, tạo việc làm cho 622 người, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh 63 người với số tiền 1,14 tỷ đồng. Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân công cho tình nguyện viên và cán bộ các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội trực tiếp quản lý, giúp đỡ 3.959 người nghiện ma túy, 1.843 người sau cai nghiện ma túy và 400 người có nguy cơ cao tại địa phương.

Mô hình Câu lạc bộ B93 do Đội tình nguyện quản lý, điều hành sinh hoạt gồm 34 Câu lạc bộ được triển khai tại các xã, phường, thị trấn, nội dung sinh hoạt bổ ích thiết thực, hình thức có cải tiến đổi mới, thu hút được 247 hội viên là người sau cai nghiện sinh hoạt thường xuyên. Đánh giá tình hình tái nghiện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015- 2017 của cơ quan chức năng cho thấy tỷ lệ tái nghiện sau 01 năm là 20%, sau 02 năm là 24%. Thông qua sự tiếp cận, động viên, tình nguyện viên đã giúp người nghiện lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp, người sau cai nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tái nghiện, tại phạm, tái hòa nhập cộng đồng.

Qua tổng kết của thành phố, phần lớn tình nguyện viên nhiệt tình, tâm huyết với công việc, sinh sống ổn định trên địa bàn, có uy tín với cộng đồng dân cư nên có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận, quản lý, giúp đỡ người nghiện. Hoạt động của tình nguyện viên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Kết quả phân loại năm 2017, trên địa bàn thành phố có 34 xã, phường, thị trấn lành mạnh trong đó có 29 xã, phường, thị trấn duy trì lành mạnh và 05 xã, phường chuyển hóa không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 474 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, không có tệ nạn mại dâm; 69 xã, phường, thị trấn có cả tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm.

Năm 2018, tiếp tục thực hiện kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”, Đội tình nguyện sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể hàng tháng, đổi mới hình thức hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tình nguyện viên trong việc quản lý, giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý sau cai; duy trì giao ban định kỳ; tăng cường tiếp cận tư vấn trực tiếp cho các gia đình có người nghiện ma túy, người quản lý sau cai nghiện, người có nguy cơ cao dễ mắc nghiện mỗi tháng từ 01 đến 02 lần/người để nắm tâm tư nguyện vọng, động viên, tư vấn phòng, chống mắc nghiện, tái nghiện.

Tiếp tục theo dõi, thống kê số người chưa có việc làm và di biến động người nghiện trên địa bàn phụ trách; thăm hỏi, động viên và tổ chức tư vấn nhóm cho các đối tượng sau cai nghiện ma túy các kiến thức phòng, chống tái nghiện, hàng tháng tổ chức đánh giá tình hình tiến độ của các đối tượng được phân công, giúp đỡ; phát động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, mại dâm; phối hợp với lực lượng chức năng tham gia công tác tuần tra địa bàn công cộng, khu vực giáp ranh phức tạp đề phòng ngừa phát sinh tụ điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm; vận động cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương.

Kim Dung