Quảng Nam ban hành Kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đến năm 2020 Ngày đăng: 07/03/2018
Ngày 01⁄3⁄2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 1023⁄KH-UBND về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch: 100% các trường hợp giải cứu được tiếp nhận tiến hành các thủ tục để xác minh, xác định nạn nhân theo quy định, 100% các trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xác định được hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp khi có nhu cầu; 100% cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống mua bán người từ tỉnh đến cơ sở được tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, các kỹ năng cần thiết để tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn được tuyên truyền các chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa, mô hình nhóm đồng đẳng, tự lực, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại các địa phương.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như:  Thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng dữ liệu quản lý, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp đối với nạn nhân bị mua bán đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin và tự nguyện; Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân theo đúng quy định; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, cung cấp toàn diện các dịch vụ về pháp lý, y tế, học văn hóa, học nghề, vay vốn...; Đầu tư, cải tạo điều kiện vật chất, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn cho những cán bộ làm công tác tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam đảm bảo cho công tác tiếp nhận, bảo vệ, tư vấn tâm lý, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán theo quy định; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; Nghiên cứu, đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa, mô hình nhóm đồng đẳng, tự lực, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đối với các địa phương có tình trạng mua bán người phức tạp, có nhiều người dân tộc thiểu số đang sinh sống, có đường biên giới với nước bạn Lào; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác phòng chống mua bán người từ tỉnh đến cơ sở; Kiểm tra, giám sát các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, sai phạm.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hằng năm, tổ chức triển khai, tổng hợp báo cáo về kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội liên quan và địa phương thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách, hồ sơ quản lý và xây dựng kế hoạch hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam và cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống mua bán người từ tỉnh đến cơ sở.

 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020 và kế hoạch hàng năm về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn; Lồng ghép hoạt động của công tác này vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương như Chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất... để nạn nhân có đủ các điều kiện cần thiết để hòa nhập cộng đồng.

PV