Hà Nội: Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy năm 2018 Ngày đăng: 05/03/2018
Thực hiện Kế hoạch phòng, chống ma túy năm 2018 của UBND thành phố, ngày 01⁄03⁄2018, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 616⁄KH-SGDĐT về tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy ngành giáo dục và đào tạo năm 2018.

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về hiểm họa, tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình, xã hội và kỹ năng tự phòng ngừa. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, kiên quyết không để ma túy có cơ hội xâm nhập học đường.

Kế hoạch yêu cầu công tác tuyên truyền, giáo dục phải là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị; có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường, địa phương và gia đình học sinh; phát huy hiệu quả vai trò, tấm gương đạo đức của nhà giáo và sự chủ động, tích cực của người học trong công tác phòng, chống ma túy; hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, có sự đổi mới; nội dung tuyên truyền sâu rộng và phù hợp với từng lứa tuổi, địa bàn; lấy tuyên truyền, giáo dục, chủ động phòng ngừa, cảm hóa đối tượng là giải pháp căn bản.

Kế hoạch đưa ra 03 biện pháp thực hiện. Thứ nhất, giáo dục truyền thông thông qua chương trình chính khóa: đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thực hiện tích hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy trong một số môn học chính khóa theo quy định; đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, tích hợp nội dung tuyên truyền trong một số môn học theo từng chương trình đào tạo và thực hiện thông qua “Tuần sinh hoạt công dân- học sinh, sinh viên” đầu khóa, cuối khóa và đầu mỗi năm học. Thứ hai, giáo dục tuyên truyền qua hoạt động ngoại khóa (giáo dục trong chương trình ngoài giờ học; tổ chức các hoạt động văn nghệ, chiếu phim, giao lưu, các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích; tổ chức cho người học tham gia câu lạc bộ về phòng, chống tệ nạn xã hội của nhà trường. Thứ ba, lồng ghép việc tuyên truyền trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành và của địa phương.

Để việc thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn ma túy của ngành năm 2018; Đầu tư kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy tại các trường trọng điểm nằm trong khu vực có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy; Tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán, cung cấp tài liệu tuyên truyền cần thiết tới đơn vị; Tổ chức tối thiểu 6 chuyên đề điểm về công tác phòng chống ma túy tại địa bàn phức tạp, nhạy cảm; Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trên địa bàn toàn thành phố, đặc biệt Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban chỉ đạo 138 thành phố, Công an thành phố trong công tác đấu tranh, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác tại các cơ sở giáo dục thiết thực, hiệu quả; Tổ chức tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội từ các cơ sở giáo dục, người học, cán bộ, nhà giáo và nhân dân.

Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các đơn vị giáo dục trực thuộc Sở cần xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống tệ nạn ma túy theo từng năm học, từng giai đoạn; ban hành các quy định cụ thể của nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy phù hợp với các quy định của pháp luật. Đưa nội dung quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy vào tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá hạnh kiểm, rèn luyện của người học; phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức khám sức khỏe khi nhập học, khám sức khỏe định kỳ cho người học, kiểm tra xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết để phát hiện học sinh, cán bộ, giáo viên có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy; kiến nghị với chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa các hàng quán, tụ điểm có biểu hiện phức tạp liên quan đến ma túy, tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp ở khu vực xung quanh trường học, ký túc xá./.

T.T