TỪNG BƯỚC THAY THẾ MÔ HÌNH CAI NGHIỆN TẠI CỘNG ĐỒNG BẰNG ĐIỂM TƯ VẤN Ngày đăng: 22/02/2018
Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng (ĐTV) đang song hành và hoàn toàn có thể thay thế mô hình cai nghiện tại cộng đồng một khi có chính sách thỏa đáng

 

 

 

 

Địa chỉ tin cậy của người nghiện

Phát triển ĐTV là 1 trong 5 nhiệm vụ trong Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng với các hoạt động tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện; huy động sự tham gia và kết nối hoạt động của các cá nhân, tổ chức xã hội tại địa phương.

Theo thống kê, hiện nay có 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập 240 ĐTV. Tại Khánh Hòa, 36/60 người được điều trị cắt cơn tại 6 ĐTV sau 1 năm chưa tái nghiện. Ông Trần Quốc Thông, quyền Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Các điểm tư vấn này phát huy hiệu quả rất tốt. Người nghiện được điều trị trong môi trường mở có người thân đến chăm sóc, hỗ trợ; điểm tư vấn không chỉ điều trị cắt cơn mà còn tiếp tục hỗ trợ sau điều trị. Đây cũng là nơi kết nối các chương trình dạy nghề, vay vốn tạo việc làm để người nghiện có việc làm ổn định; có sự hỗ trợ tích cực của Nhóm Tự lực để kết nối giữa người nghiện với điểm tư vấn; bảo đảm được bí mật thông tin cho người nghiện và gia đình cảm thấy yên tâm".

ĐTV xã Hoàng Lâu (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã tiếp cận, vận động người nghiện ma túy đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện, tham gia điều trị thay thế 32 người; cung cấp dịch vụ tư vấn dự phòng tái nghiện và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS 120 lượt người; tư vấn 14 người đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tư vấn hơn 240 lượt người nghiện và gia đình người nghiện về các hình thức cai nghiện ma túy để lựa chọn hình thức phù hợp… Ông Nguyễn Thanh Viện, Chủ nhiệm ĐTV xã Hoàng Lâu chia sẻ: Từ khi ĐTV ra đời đã thu hút được đông đảo người nghiện trên địa bàn huyện Tam Dương tham gia.

Anh Lê Ngọc Anh, trú tại Tổ dân phố 4, phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Tôi nghiện ma túy nhiều năm nay và đã nhiều lần đến các trung tâm cai nghiện bắt buộc để điều trị nhưng không thành công. Được sự tư vấn của cán bộ, tôi đã cắt được cơn nghiện sau hơn 2 tháng điều trị. Đến nay, tôi đã xin được việc làm tại một xưởng cơ khí gần nhà…

N.T.V, ngụ phường 4 (TP Cà Mau, Cà Mau), chia sẻ: Em sử dụng heroin và được đưa vào trung tâm cai nghiện. Với quyết tâm không tái nghiện, sau khi được về tái hoà nhập cộng đồng, em đã tìm đến ĐTV. Tại đây, được các anh chị hướng dẫn các hình thức cai nghiện, tư vấn việc làm, em được nhận vào làm ở công ty thuỷ sản, công việc bận rộn đã giúp em từ bỏ được ma tuý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh  Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: đến với các ĐTV, người nghiện được thụ hưởng các dịch vụ cơ bản như: điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị rối loạn tâm thần, sốc thuốc do sử dụng ma túy và các bệnh liên quan. Ngoài ra, còn được tư vấn sức khỏe, thực hiện nhiều liệu pháp điều trị tâm lý, phòng tái nghiện. Việc cho phép người thân, gia đình bệnh nhân cùng tham gia trong quá trình cai nghiện cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực giúp bệnh nhân quyết tâm vượt qua khó khăn, đau đớn. Sau khi cắt cơn thành công, người bệnh được tiếp tục chăm sóc đến khi sức khỏe ổn định rồi về nhà và giữ liên hệ với bác sĩ của ĐTV để được hỗ trợ kịp thời.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều kết quả hoạt động của ĐTV.

 

Cán bộ y tế phường Trưng Trắc (thị xã Phúc Yên) tư vấn cho người nghiện về tác hại của ma túy và các hình thức cai nghiện tại cộng đồng

Điểm chung và khác biệt giữa ĐTV và Tổ công tác cai nghiện

Cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình (CNCĐ) do Luật phòng chống ma túy  quy định. ĐTV thành lập theo  Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Để ĐTV có thể thay thế mô hình CNCĐ hay không, cần xem xét, so sánh trên nhiều mặt như: tổ chức, cán bộ, chức năng nhiệm vụ, tính khả thi, tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động.

Tổ CNCĐ do lãnh đạo UBND cấp xã làm Tổ trưởng. Thành viên gồm đại diện Công an, Y tế, LĐTBXH, một số đoàn thể xã hội, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện (TNV). Còn ĐTV, Chủ nhiệm cũng là lãnh đạo UBND cấp xã, thành viên cũng tương tự như Tổ công tác CNCĐ. ĐTV hay CNCĐ đều lấy Trạm y tế cấp xã làm cơ sở hoạt động chính.

Tổ CNCĐ chủ yếu cai nghiện cắt cơn cho người nghiện tại cộng đồng (tự nguyện và bắt buộc) có thể chuyển người nghiện đến cơ sở y tế cấp huyện hoặc cơ sở cai nghiện thực hiện cắt cơn hoặc tại gia đình. Sau cắt cơn, thực hiện các biện pháp tư vấn, tạo các điều kiện về học nghề, tạo việc làm (nhưng chưa làm được nhiều). Chính vì tính chất "không chuyên nghiệp" (cán bộ nói chung ít được huấn luyện, không có kiến thức sâu về điều trị cai nghiện) nên Tổ CNCĐ nhiều năm qua bị đánh giá hoạt động ít hiệu quả, nhiều tỉnh không tổ chức CNCĐ.

ĐTV hoạt động đa dạng hơn: truyền thông, dự phòng nghiện, cai nghiện cắt cơn, giới thiệu chuyển gửi cai nghiện, cấp thuốc hoặc điều trị thay thế, tư vấn cho các loại khách hàng, dự phòng tái nghiện, tư vấn HIV, vay vốn, học nghề, tạo việc làm, phát triển sinh kế…

Tổ CNCĐ làm việc có tính chất "thời vụ", khi cần cai nghiện theo yêu cầu. Trong khi đó, ĐTV làm việc thường xuyên, lấy "tư vấn"-  nội dung quan trọng  số 1 của điều trị, cai nghiện làm nhiệm vụ cơ bản. Thế mạnh của ĐTV là tư vấn (một số nơi đã vận dụng chính sách, bố trí được cán bộ tư vấn chuyên trách, đã qua đào tạo, tập huấn, làm thường trực, đáp ứng các yêu cầu đa dạng, thường xuyên của khách hàng); huy động  người có tâm huyết, năng lực tham gia; kết nối chặt chẽ với các tổ, nhóm tự lực tại cộng đồng, vận động đưa người nghiện vào sinh hoạt và giúp đỡ nhau. Phương thức hoạt động của ĐTV gần gũi, thân thiện, các đối tượng được tư vấn, chăm sóc từ đầu đến cuối, từ đó, tăng dần tính tự nguyện đích thực của họ với các dịch vụ cai nghiện, góp phần làm giảm kỳ thị của cộng đồng với người nghiện.

ĐTV không nhất thiết thành lập theo địa bàn từng xã, có thể theo cụm xã hoặc bố trí nơi có nhiều người nghiện, thành viên không chỉ hoạt động tại trụ sở mà thường xuyên đến với cộng đồng, các nhóm đối tượng, hoạt động linh hoạt, người nghiện ở các địa bàn khác nhau tiếp cận dễ dàng.

Như vậy, trên địa bàn 1 xã hiện nay có nơi cùng tồn tại 2 tổ chức: Tổ CNCĐ và ĐTV với  chức năng nhiệm vụ nhiều điểm trùng nhau. Để hoạt động không dẫn đến chống chéo, lãng phí, nên chăng chỉ cần 1 tổ chức, chọn tổ chức nào hoạt động hiệu quả, đa dạng hơn, tiếp cận hỗ trợ được nhiều người nghiện, phù hợp với nhiệm vụ của Đề án đổi mới công tác cai nghiện.

Thực tế hiện nay, chỉ có hơn 20 tỉnh, TP có Tổ CNCĐ hoạt động. Năm 2017, cai nghiện cho 3.500 lượt người. Trong khi, chỉ tính riêng 22 ĐTV tại 5 tỉnh, TP (Bắc Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh) do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thí điểm hỗ trợ kỹ thuật, trong 2-3 năm, đã  giúp 1582 người tiếp cận các dịch vụ, 765 người tiếp nhận các dịch vụ, 231 người được điều trị cắt cơn, 1054 người được tư vấn cá nhân,457 người tham gia các buổi tư vấn nhóm, hơn 20.000 lượt người tham gia sinh hoạt nhóm dự phòng tái nghiện. Theo kế hoạch, đến năm 2020 số ĐTV được thành lập là 900 và lấy con số của 22 ĐTV do SCDI hỗ trợ thì chỉ tại 900 ĐTV này mỗi năm có hơn 15.000 người nghiện được tiếp cận dịch vụ, 4.700 người được cắt cơn, 22.000 người được tư vấn cá nhân, 9.000 người được tư vấn nhóm, hơn 400.000 lượt người tham gia sinh hoạt nhóm dự phòng tái nghiện… Nếu sau này, cả nước có vài nghìn ĐTV thì kết quả sẽ lớn hơn nhiều. Rõ ràng, với hoạt động mang tính "chuyên nghiệp", kết quả, sản phẩm của ĐTV là ấn tượng, can thiệp nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nhau. ĐTV có thể trở thành “cú huých” làm thay đổi căn bản  diện mạo công tác CNCĐ và công tác phòng chống ma túy nói chung tại cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều ĐTV thành lập nhưng không được quan tâm chỉ đạo, tạo các điều kiện nên hoạt động cầm chừng, còn hình thức và kém hiệu quả.

Từng bước để ĐTV thay thế Tổ công tác cai nghiện

ĐTV là mô hình hoạt động mới, đang hoàn thiện, do vậy, trước mắt cần song hành hoạt động với Tổ CNCĐ (nhưng không nên kéo dài). Cái khó của ĐTV hiện nay là chưa có chính sách về cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế vận hành. ĐTV hoạt động đang phải vận dụng các cơ chế, chính sách khác.

Để song hành với Tổ CNCĐ, cần thay đổi quy định cán bộ của ĐTV "chủ yếu là kiêm nhiệm và những người tình nguyện tham gia, không hưởng tiền lương, tiền công từ ngân sách nhà nước". Cán bộ y tế đã mệt nhoài về khám chữa bệnh thông thường, nay thêm điều trị, tư vấn cho người nghiện (toàn những việc phức tạp, thậm chí nguy hiểm, ví dụ, cắt cơn giải độc cho 1 người nghiện phải chia nhau trực 24/24 giờ trong 1-2 tuần). Cán bộ tư vấn, quản lý ca, tiếp cận cộng đồng thì động viên lực lượng nào, nâng cao kiến thức, khả năng tư vấn về điều trị nghiện… cũng là nan giải. Kiêm nhiệm nhưng về lâu dài cũng phải có phụ cấp, không thể huy động cán bộ tham gia 1 công việc vất vả hơn công việc người ta đang hưởng lương mà không có phụ cấp. Có phụ cấp (hoặc lương) mới tuyển được cán bộ chất lượng, ổn định cho ĐTV.

Việc lấy Trạm y tế làm địa điểm hoạt động chính cũng có nhiều vấn đề. Như Trạm y tế thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) không lấy gì làm rộng, phải bố trí thêm phòng tư vấn, phòng điều trị cắt cơn và chỉ có 1 cửa chung ra vào cho mọi người. Hàng ngày, cán bộ y tế ở đây phải khám, chữa bệnh cho hơn 100 lượt người. Người nghiện vào tư vấn, điều trị không khỏi e ngại khi vào chung cửa với các bệnh nhân khác, còn bệnh nhân khác lúc đầu không tránh khỏi kỳ thị. Do vậy, không nhất thiết là Trạm y tế mà ĐTV cần bố trí trụ sở hoạt động phù hợp với các trang thiết bị thiết yếu, văn phòng phẩm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chi cho mỗi ĐTV 60 triệu đồng/năm để hoạt động).

Và để tiến tới thay thế Tổ CNCĐ, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cai nghiện cộng đồng, gia đình, phòng chống HIV, các chính sách về chức năng nhiệm vụ, hoạt động, bố trí và đào tạo cán bộ, cơ sở vật chất và các chính sách có liên quan khác.

Phòng chống ma túy, trong đó có điều trị, cai nghiện là nhiệm vụ quá khó khăn. Điều này, đòi hỏi cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện mô hình, đánh giá và trên cơ sở đó sửa đổi chính sách, quy định pháp luật để "pháp nhân hóa", thể hiện đúng vai trò của ĐTV./.

Lê Hiền