Nguyên nhân nào khiến phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn hạn chế? Ngày đăng: 10/01/2018
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan từ Trung ương tới địa phương, công tác phòng, chống HIV, ma túy và mại dâm ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Theo đánh giá của ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, giai đoạn 2011-2016, Việt Nam liên tục khống chế dịch HIV với thành công 3 giảm: Giảm số người nhiễm HIV mới, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm tử vong do AIDS. Các ứng phó với dịch AIDS của Việt Nam trong vòng 15 năm qua đã dự phòng lây nhiễm HIV cho khoảng 400 nghìn người và giúp 150 nghìn người không bị tử vong do AIDS.

Hiệu quả còn được thể hiện trên các khía cạnh xã hội như giảm kỳ thị phân biệt đối xử; giảm tỷ lệ vừa nhiễm HIV vừa sử dụng ma túy; giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. Về góc độ kinh tế, đã giúp tăng sức lao động, tăng thu nhập, giảm đói nghèo trong nhóm bệnh nhân AIDS. Một nghiên cứu của UNAIDS cho thấy, đầu tư 1 USD cho điều trị Methadone sẽ mang lại 7 USD; đầu tư 1 USD cho điều trị ARV sẽ mang lại 2,4 USD.

Về phòng, chống ma túy, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, Việt Nam đã kiềm chề được tốc độ gia tăng người nghiện mới; hạn chế được tác hại của ma túy đối với xã hội; năng lực phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy được nâng lên. Mỗi năm các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá trên 20 nghìn vụ, bắt trên 30 nghìn đối tượng, thu số lượng ma túy lớn, trong đó có nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có yếu tố nước ngoài, tồn tại nhiều năm. Đặc biệt, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới và khu vực.

Trong phòng, chống và cai nghiện ma túy đã có sự thay đổi căn bản quan điểm tiếp cận và nhận thức về điều trị và quản lý người nghiện khi coi người nghiện là người bệnh mạn tính; chuyển dần từ cai nghiện tập trung sang cai nghiện tự nguyện…

Về phòng, chống mại dâm, quan điểm xã hội về phòng, chống mại dâm đã có sự chuyển biến về phương pháp tiếp cận theo hướng nhân văn hơn, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với người bán dâm. Chú trọng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính… Về chính sách, chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh can thiệp giảm hại đối với nhóm người bán dâm, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng. Tăng cường hỗ trợ xã hội, tạo sinh kế đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Tăng cường hỗ trợ xã hội, tạo sinh kế đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Hoạt động thí điểm mô hình, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội tại cộng đồng bước đầu có hiệu quả.

Vẫn còn những hạn chế

Ông Đặng Thuần Phong cho biết: hiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm chưa đồng bộ. Định hướng quan điểm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đã thay đổi căn bản song các biện pháp triển khai trên thực tế chưa đạt hiệu quả cao, còn nhiều lúng túng trong sửa đổi pháp luật về các lĩnh vực này. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và chậm mặc dù quyền chủ động thuộc về các Bộ, ngành chủ quản.

Tình hình HIV/AIDS, ma túy, mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp. Dịch HIV/AIDS vẫn ở mức cao, đã diễn ra mang tính phổ quát ở tất cả các địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dịch HIV/AIDS trở lại do tỷ lệ người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao đang có xu hướng gia tăng trở lại. Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; việc duy trì chương trình điều trị ARV và đáp ứng mục tiêu 90-90-90 đến hết năm 2020 gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tồn tại các tụ điểm, điểm nóng về ma túy; ma túy thẩm lậu vào trong nước chưa ngăn chặn triệt dể, hiệu quả cai nghiện ma túy còn thấp. Tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới; hiệu quả công tác phòng, ngừa đấu tranh tội phạm liên quan đến mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng còn thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra còn yếu, chưa được quan tâm đầy đủ.

Biện pháp khắc phục

Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong chia sẻ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trước hết là do sự quan tâm, chỉ đạo công tác này của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy.

Một số quy định trong các văn bản pháp luật chưa tương thích không còn phù hợp với thực tiễn trong khi việc sửa đổi còn chậm khiến các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

Nguồn lực được bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác này còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Việc chậm phê duyệt chương trình và cấp kinh phí hàng năm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai các hoạt động khiến một số mục tiêu, chỉ tiêu ngành chưa đạt được. Việc thúc đẩy xã hội hóa cũng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhân lực vật lực cũng còn nhiều hạn chế. Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của công an các cấp, nhất là lực lượng công an cấp cơ sở và tại tuyến biên giới, cửa khẩu còn thiếu về số lượng, chưa trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện chưa được đào tạo chuyên nghiệp; việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với các cán bộ, nhân viên trong cơ sở cai nghiện thuộc diện chuyển đổi sang cơ sở cai nghiện tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, luôn có sự thay đổi về nhân sự chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành còn hạn chế. Ngoài một số tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, hầu hết các địa phương đều giao phó công tác phòng, chống, đấu tranh tội phạm ma túy cho công an; cai nghiện cho ngành lao động và phòng, chống AIDS cho ngành y tế. Ở một số địa phương còn có hiện tượng không thống nhất và quan điểm giữa hai ngành lao động và công an trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy gây tác động đến hiệu quả thực hiện công tác này.

Một vấn đề nữa là phương pháp tiếp cận các đối tượng còn nhiều hạn chế, dẫn đến công tác thống kê, theo dõi, quản lý người nhiễm HIV, người nghiện ma túy và người bán dâm hiệu quả chưa cao. Có tỷ lệ đáng kể người đi làm xét nghiệm HIV không khai đúng tên, địa chỉ nên không thể quản lý, theo dõi sau khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Trước những thực trạng này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị Chính phủ tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật để đề xuất với Quốc hội bổ sung, bãi bỏ, sửa đổi các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn trong phòng, chống AIDS, ma túy mại dâm.

Đồng thời xác định rõ quan điểm và chủ động hơn trong việc huy động và bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Việc bố trí nguồn lực gắn với xác định cụ thể các nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên giải quyết và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiên cứu việc xây dựng và ban hành các chỉ tiêu ngành phù hợp hơn, tránh đặt chỉ tiêu ngành quá cao, nguồn lực không đáp ứng được dẫn đến không đạt chỉ tiêu đề ra.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ban, ngành trong việc bảo đảm yếu tố giới được đưa vào các chương trình ứng phó HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm một cách đầy đủ. Trong đó, xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng bên cũng như phân bổ các nguồn lực con người, kỹ thuật, tài chính cũng như quyền hạn phù hợp để thực hiện./.

Nhật Thy (Tiếng chuông)