Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 Ngày đăng: 03/01/2018
Ngày 03⁄01⁄2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập chủ trì hội nghị; tham dự Hội nghị có ông Đào Ngọc Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Bộ; các Phó Cục trưởng Lê Đức Hiền, Lê Văn Khánh cùng đoàn thể cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2017, toàn thể công chức, người lao động của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã nỗ lực hoàn thành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu công tác được Bộ giao.

Về công tác phòng, chống mại dâm: Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP và các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 26.588 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 9.522 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 2.365 cơ sở; phạt tiền 6.803 cơ sở với số tiền phạt hơn 58 tỷ 652 triệu đồng. Triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.177 vụ với 3.053 đối tượng. Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm 2.984 đối tượng. Xử lý hình sự 374 đối tượng chứa và môi giới mại dâm và 03 người mua dâm người chưa thành niên.

Triển khai xây dựng thí điểm và tiếp tục duy trì mô hình phòng, chống mại dâm đã triển khai, trong đó có khoảng 690 người bán dâm và 3.446 người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ mô hình. Đối với mô hình giai đoạn 2016 - 2020: 05 địa phương đã triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 15 địa phương thực hiện mô hình đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 07 địa phương đã triển khai mô hình tăng cường năng lực của nhóm các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Năm 2017, đã thực hiện hỗ trợ cho 4.893 lượt người bán dâm, trong đó: số đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV: 2.183 lượt người; số đối tượng được tư vấn trợ giúp pháp lý: 2.578 lượt người; số đối tượng được hỗ trợ giáo dục dạy nghề: 40 lượt người; số đối tượng được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh: 92 lượt người với số tiền 319 triệu đồng.

Về công tác điều trị, cai nghiện ma túy: hiện cả nước có 105 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy. Theo báo cáo của Bộ Công an, số người nghiện có hồ sơ quản lý 222.582 người, số người được điều trị, cai nghiện 112.588 người; số người được điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 32.610 học viên.

Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án 21.323 học viên (một số tỉnh, thành phố số người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp chiếm từ 60-80% như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang Tây Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang…).

Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập 4.298 học viên. Cai nghiện tại cơ sở tư nhân: 3.420 lượt học viên.

Quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện: 923 học viên. Quản lý tại cơ sở xã hội: 2.646 học viên (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).

Cơ sở xã hội đã tiếp nhận 22.524 người nghiện ma túy không có nơi cư trú, trong đó: 5.025 người xác định được nơi cư trú ổn định và được đưa về địa phương; 14.846 người được Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 2.646 người đang quản lý tại cơ sở xã hội.

Cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố thực hiên cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tổ chức cai nghiện cho 3.566 người. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay có 51.296 người được điều trị Methadone (ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 2.939 người).

Đồng chí Đào Ngọc Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Bộ phát biểu ý kiến

Công tác Hỗ trợ nạn nhân và Tuyên truyền: năm 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 2.000 trường hợp, trong đó, xác định 517 trường hợp nạn nhân bị mua bán, 100% các trường hợp đã được hỗ trợ theo quy định. Kết quả phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn của các tỉnh, thành phố có hơn 1800 xã, phường không có tệ nạn ma túy. Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn tại 42 tỉnh, thành phố với 3.111 Đội tình nguyện và 19.942 tình nguyện viên đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện hòa nhập cộng đồng”, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về, người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, cụ thể như sau:

Công tác phòng, chống mại dâm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề phòng ngừa mại dâm. Tăng cường việc hỗ trợ kỹ thuật, tài chính đối với các địa phương trong việc triển khai thí điểm các mô hình, thử nghiệm các quan điểm mới, chính sách mới, dịch vụ mới trong công tác hỗ trợ người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng. Từng bước xây dựng, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm ở cấp tỉnh, cán bộ trực tiếp thực hiện dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng. Nâng cao năng lực và hiệu quả họat động của Đội kiểm tra liên ngành 178. Tiếp tục thực hiện nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống mại dâm.

Công tác điều trị, cai nghiện ma túy: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính phần liên quan đến lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Cơ sở cai nghiện ma túy (Thay thế Thông tư số 21/2008/TTLT - BLĐTBXH - BNV ngày 08/10/2008. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy. Tiếp tục chỉ đạo địa phương, cơ sở triển khai cập nhật dữ liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội vào phần mềm và bàn giao lại cho địa phương để cập nhật; tiến tới năm 2018 cải cách hành chính, báo cáo số liệu trực tiếp qua phần mềm cập nhật hàng ngày thay thế báo cáo bằng văn bản.

Công tác Hỗ trợ nạn nhân và Tuyên truyền: nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi bổ sung Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn. Nâng cấp các cơ sở tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân ở một số tỉnh trọng điểm; xây dựng thí điểm một số mô hình hỗ trợ nạn nhân dựa vào cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai và đề xuất nhân rộng việc thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi cả nước. Triển khai Quyết định của TTg về phê duyệt quy định đánh giá, xếp loại xã phường về công tác phòng chống ma túy, mại dâm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí của Bộ LĐTBXH xây dựng các số chuyên đề tập trung vào việc đổi mới công tác cai nghiện; quan điểm, định hướng trong xây dựng Luật phòng, chống mại dâm; giới thiệu, nhân rộng mô hình, điển hình về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập biểu dương thành tích của các tập thể, cá nhân trong năm 2017

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đánh giá cao sự nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Cục trong năm 2017. Đồng thời nhấn mạnh trong năm 2018, nhiệm vụ của Cục là tiếp tục rà soát, nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, điều trị cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân để có những đề xuất, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; xây dựng khung kỹ thuật, xây dựng mô hình về phòng, chống mại dâm, điều trị cai nghiện ma túy hiệu quả. Tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tại các địa phương. Cục trưởng yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động của Cục khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm, tự rèn luyện, nâng cao trình độ để hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

HH