Vay vốn phát triển sản xuất, hòa nhập cộng đồng ở Ba Vì Ngày đăng: 27/12/2017
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29⁄QĐ-TTg ngày 26⁄4⁄2014, nhằm cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Sau khi có quyết định này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì đã phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn, tổ chức hội đoàn thể nhận uỷ thác vốn vay tổ chức tuyên truyền trên các phương tiên thôn tin đại chúng, các buổi sinh hoạt tại tổ tiết kiệm vay vốn, và được niêm yết công khai tại điểm giao dịch của Ngân hành ở 31⁄31 xã, thị trấn, qua đó các đối tượng thụ hưởng nắm bắt, có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Mơ từ nguồn vốn vay đã đầu tư vào chăn nuôi bò có hiệu quả.

Về xã Minh Châu, theo chân các cán bộ trong Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của Hội Phụ nữ xã chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Chu Chàng, là gia đình nằm trong diện này, năm 2016, chị được Hội Phụ nữ xã cho vay 30 triệu, chị về mua hai con bò cái. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chăn nuôi tốt, giờ gia đình chị đã có 6 con bò, 2 lợn nái, cuộc sống gia đình ngày một ổn định hơn. Theo chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Châu cho biết “Ở Minh Châu, có 5 gia đình chị em nằm trong diện này được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, nguồn vốn cho vay được đảm bảo đúng đối tượng, những hộ được vay luôn được động viên, giúp đỡ về kỹ thuật để có thể chăn nuôi hiệu quả, đa số các hộ đã có cuộc sống tốt hơn trước kia”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chu Minh cho biết, đối với Chu Minh đây là xã có nhiều đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất, toàn xã có 16 đối tượng, riêng Hội phụ nữ quản lý là 11 đối tượng. Chị cho biết các gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Trung Tuyên ở thôn Chu Quyến I hay gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở thôn Chu Quyến II sau khi có nguồn vốn vay từ Quyết định này đã làm ăn có hiệu quả, anh Hiếu thì mở cửa hàng cơ khí hàn xì, anh Tuyên, chị Thảo thì đầu tư chăn nuôi bò, lợn, gà, cuộc sống sau khi có nguồn vốn này đã có hiệu quả nhất định, đã giúp người nằm trong diện này hòa nhập tốt hơn với đời sống xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hành Chính sách Xã hội huyện Ba Vì, tại huyện Ba Vì đến hết năm 2016 đã cho vay 32 đối tượng và đạt số dư nợ là 890 triệu đồng, chiếm 90% số dư nợ toàn thành phố. Trong quá trình này Các đối tượng thụ hưởng được các tổ TK&VV, chính quyền thôn và tổ chức hội đoàn thể xã lựa chọn, bình xét công khai tại thôn, đề nghị UBND xã xác nhận và ngân hàng xem xét cho vay. Việc giải ngân được thực hiện giải ngân trực tiếp đến hộ vay nhận tiền tại điểm giao dịch xã. Hàng tháng tổ trưởng tổ TK&VV thực hiện thu lãi và tiền gửi tiết kiệm của hộ vay và gửi hộ vay biên lai thu để lưu giữ trong suốt quá trình vay vốn. Khi có nhu cầu trả nợ gốc hộ gia đình trực tiếp trả tại điểm giao dịch xã vào ngày trực cố định tại xã. Trong vòng 30 ngày tính từ khi giải ngân, Hội đoàn thể nhận uỷ thác tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay. Đảm bảo hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích xin vay. Từ khi nhận vốn vay không có phản ánh nào về việc hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích xin vay. Với những kết quả từ nguồn vốn vay này, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Vì sẽ tiếp tục tư vấn sử dụng vốn để ngày càng có nhiều hộ trong diện được vay vốn, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống./.

Hồng Đạt (Đài Truyền Thanh huyện Ba Vì-Hà Nội)