Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người ở Thừa Thiên- Huế Ngày đăng: 06/11/2017
Với phương châm phòng ngừa là chính, trong những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan (Ủy ban MTTQVN tỉnh, Đoàn TNCSHCM tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh) và các địa phương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao nhận thức của người dân, gia đình và xã hội trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng ngừa tệ nạn mua bán người nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép để giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tổ chức, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã xây dựng 01 phóng sự truyền hình, 121 tin bài có liên quan, cấp phát gần 60 nghìn các loại tờ rơi áp phích, 2.200 quyển tạp chí tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm và phòng chống mua bán người. Duy trì tốt hoạt động của 92 câu lạc bộ thanh niên, 95 câu lạc bộ phụ nữ “Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội”, “Tổ Phụ nữ tuyên truyền phòng chống tội phạm, mua bán phụ nữ trẻ em”, “Tổ Phụ nữ không có chồng, con, người thân vi phạm pháp luật, an toàn giao thông và tệ nạn xã hội” và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã tham gia giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ phụ nữ bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động cộng đồng không định kiến và giúp đỡ người bán dâm hoàn lương; tích cực hỗ trợ cho phụ nữ trẻ em bị mua bán từ nước ngoài trở về.

Phối hợp với phòng Giáo dục thành phố Huế đưa thí điểm nội dung về phòng ngừa các nguy cơ liên quan cho trẻ vị thành niên trong đó có phòng chống mua bán người, các kỹ năng tự vệ cho các em học sinh ở các trường trung học cơ sở ở thành phố Huế. Qua đó đã tập huấn đợt 1 cho hơn 1500 học sinh THCS và 90 trẻ em thuộc Câu lạc bộ trẻ em đường phố.

Song song với việc tuyên truyền tại cộng đồng dân cư, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội đã chủ động phối hợp với tỉnh Đoàn, các trường đại học thuộc Đại học Huế, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh… đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng là thanh thiếu niên học đường, cán bộ học viên. Kết quả hàng năm đã tuyên truyền cho hơn 10 ngàn lượt học sinh sinh viên về công tác phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống mua bán người nói riêng, góp phần nâng cao sự hiểu biết cho học sinh sinh viên nhằm tránh xa các loại tệ nạn xã hội, tự bảo vệ cho chính mình.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người,ngày 17/10/2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 211/KH- UBND về việc thực hiện triển khai Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm 2020 thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.  Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch là: Đến năm 2018, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã ) nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người. Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã trên toàn tỉnh có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người. Từ năm 2017, thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần. Đến năm 2020, đạt 75% người dân tại các địa phương trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14-60 đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.

Nội dung của kế hoạch là xây dựng, duy trì và thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, các tiểu phẩm, phóng sự, bài viết, tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là cách thức giải quyết, ứng phó cho người dân nâng cao cảnh giác và bảo vệ mình và tự giác tham gia đấu tranh, tố giác các hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.Xây dựng, hướng dẫn công tác phòng, chống mua bán người, tập trung vào việc cung cấp thông tin, giám sát phát hiện và thông báo các trường hợp có nghi vấn mua bán người, khuyến khích đưa vào áp dụng tại các đơn vị làm dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.Định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông.  Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo cơ quan báo chí; cán bộ làm công tác thông tin cơ sở tại các Phòng Văn hóa - Thông tin và Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.

UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác giới thiệu việc làm, đi lao động tại nước ngoài... nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động để mua bán người; Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về; Hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em.

Minh Quang