Hội thảo tham vấn Báo cáo chuyên đề tổng quan chính sách, luật pháp và sự cần thiết xây dựng dự án Luật về mại dâm Ngày đăng: 27/12/2017
Ngày 27⁄12⁄2017, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức “Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đề xuất và đề nghị xây dựng Dự án Luật về mại dâm”. Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu là thành viên Tổ nghiên cứu xây dựng dự án Luật về mại dâm; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện cán bộ quản lý mô hình về phòng, chống mại dâm của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và đại diện thành viên nhóm tự lực của người bán dâm của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA). Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập chủ trì Hội thảo.

Mại dâm là một vấn đề xã hội phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến ổn định, hạnh phúc của gia đình, một thiết chế xã hội được người Việt Nam đề cao.Tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội). Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn và tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống hoà nhập xã hội.

 Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết, trong những năm qua, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật, các chương trình can thiệp mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua các Chương trình hành động phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả nhất định, song quá trình thực thi cho thấy tính hiệu quả chưa cao, vẫn còn những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp, đặc biệt là vấn đề giảm hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc đối với người bán dâm. Để có cơ sở cho việc đề xuất dự án Luật về mại dâm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức  “Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đề xuất và đề nghị xây dựng Dự án Luật về mại dâm”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá chính sách, giải pháp hiện hành về phòng, chống tệ nạn mại dâm, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình mới, phương pháp tiếp cận mới.

Tại Hội thảo này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung sau:

- Đánh giá thực trạng, các bất cập trong luật pháp, chính sách, giải pháp về phòng, chống mại dâm trong thực tiễn hiện nay.

- Tham vấn, đóng góp cho Ban nghiên cứu về quan điểm, phương pháp tiếp cận, các dự kiến chính sách về mại dâm thời gian tới.

Phòng, chống tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và hết sức phức tạp.... Do vậy, đề nghị các Tổ chức Quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, các địa phương về kỹ thuật, nguồn lực trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm./.

PV