Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp truyền thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 Ngày đăng: 14/12/2017
Ngày 13⁄12⁄2017, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp truyền thông về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH; đại diện Cục Tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an), Cục Phòng, chống HIV⁄AIDSS (Bộ Y tế), Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Chương trình phối hợp truyền thông số 3598/CTrPHTT về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giữa Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam được thực hiện từ năm 2014. Qua 03 năm triển khai, công tác truyền thông về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2017, nội dung phối hợp tuyên truyền tiếp tục có nhiều đổi mới, bao trùm tất cả các lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Chất lượng thông tin phản ánh toàn diện, đậm nét hơn, tập trung vào các vấn đề trọng yếu mà xã hội quan tâm như: thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, hiểm họa của ma túy tổng hợp (ATS); phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS; công tác quản lý người nghiện.

Các cơ quan đầu mối của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế thường xuyên trao đổi thông tin tới cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương về tác hại, hiểm họa của ma túy; quan điểm về đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở cơ sở; giới thiệu các mô hình làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, người cai nghiện thành công tại cộng đồng; điển hình về hoạt động có hiệu quả của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại các tỉnh, thành phố; cung cấp tư liệu, hình ảnh về tình hình sản xuất, mua bán, tàng trữ ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

Về hình thức tuyên truyền, các cơ quan truyền thông đã xây dựng, biên tập và đăng tải, phát sóng, đưa tin kịp thời hàng trăm tin bài, phóng sự, clip, tọa đàm về đề tài đấu tranh với tội phạm ma túy, mua bán người; quan điểm và thực tế đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở cơ sở; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm; việc xét nghiệm sớm, điều trị ARV sớm và điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone; gương điển hình về cai nghiện ma túy thành công. Đặc biệt, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng nhiều nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm vào các khung giờ quan trọng như: Chương trình Thời sự, Chào buổi sáng, Chuyển động 24h… Ngoài báo nói, báo hình, báo viết, trang tin điện tử, nhiều loại hình khác như tọa đàm, bút ký, phim tài liệu, tiểu phẩm, kịch ngắn... của các cơ quan báo chí khác cùng tham gia phản ánh về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, góp phần lan tỏa thông tin rộng rãi và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phối hợp truyền thông đến năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện; thực hiện luân phiên giao ban định kì, mỗi quý/lần, tập trung triển khai theo từng chuyên đề cụ thể; đổi mới hình thức phối hợp, chia sẻ thông tin cho phóng viên các cơ quan truyền thông đưa tin về các sự kiện, hội nghị, hội thảo. Tổ chức các đoàn phóng viên đi thực tế tại các địa phương theo chuyên đề để có tư liệu mới, sát thực tiễn, phản ánh các mô hình, điển hình tại địa phương nhằm truyền tải thông điệp đến người dân, nhất là các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người; tổ chức Hội thảo tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm cho phóng viên các cơ quan tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong việc tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS.

Đối với các cơ quan truyền thông, cần chủ động phối hợp với cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia xây dựng tin, bài, phóng sự, định hướng thông tin trước, trong và sau các Hội nghị và các đợt cao điểm; tăng thời lượng phát sóng, nâng cao chất lượng tin, bài, phóng sự về các mô hình, điển hình trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Tập trung sản xuất các clip (thời lượng khoảng 01 phút), phát nhiều lần trên các kênh truyền hình nhằm tác động đến nhận thức của người dân; tổ chức truyền hình trực tiếp một số hoạt động do Uỷ ban Quốc gia hoặc các Bộ, ngành tổ chức nhân dịp phát động Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6) và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (1/12)./.

KD