Đồng Tháp tăng cường biện pháp đấu tranh kéo giảm tệ nạn xã hội Ngày đăng: 08/12/2017
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.375 cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm với 1.421 tiếp viên. Trong đó: tiếp viên có hợp đồng 917 người, nữ giới 1.021 người, ngoại tỉnh 463 người, tiếp viên dưới 18 tuổi là 20 người. Số người bán dâm ước tính 159 người.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tệ nạn mại dâm

Tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Đặc biệt có phương thức mại dâm đang phát triển phổ biến hiện nay là gái mại dâm thường thuê một nhà trọ để ở và hoạt động theo kiểu “gái gọi”, các đối tượng sử dụng phương tiện Internet liên hệ thỏa thuận mua bán dâm.

Lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hoá-Xã hội các cấp đã tổ chức 847 lượt kiểm tra, truy quét tại các địa điểm công cộng 242 cuộc; tại các cơ sở KDDV 102 cuộc; nhắc nhở, giáo dục 1.011 trường hợp; phát hiện 227 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 193 cơ sở vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý, phạt tiền 15 cơ sở với số tiền 42.000.000 đồng (bốn mươi hai triệu đồng). Lực lượng Công an tiến hành triệt xóa 21 tụ điểm mại dâm, bắt giữ 100 đối tượng (trong đó có 02 chủ chứa, 02 môi giới, 12 chủ nhà trọ - karaoke,  42 gái bán dâm, 42 khách mua dâm). Kết quả: xử lý hình sự 04 vụ, 05 đối tượng (02 chủ chứa, 02 môi giới, 01 chủ trọ), xử phạt hành chính 17 vụ, 95 đối tượng (11 chủ nhà trọ - karaoke, 42 khách mua dâm, 42 gái bán dâm).

Phối hợp chắt chẽ các ngành chức năng trong công tác điều trị, cai nghiện, hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng

Kết quả rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.414 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó: 1.393 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (nam 1.335, nữ 58); loại ma túy sử dụng: ma túy tổng hợp 1.354, Heroin: 36, cần sa 03; độ tuổi: dưới 18 tuổi 60, từ 18 đến dưới 30 tuổi 1.165, trên 30 tuổi 168. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) tăng đột biến, đáng lưu ý là người nghiện có xu hướng trẻ hoá.

Công tác cai nghiện được tỉnh quan tâm chỉ đạo và được các ngành chức năng phối hợp tổ chức thực hiện. Theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm CBGDLĐXH chuyển đổi thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy. Trong 2 năm qua, Cơ sở điều trị nghiện đã tiếp nhận quản lý, giáo dục, cai nghiện cho 396 người. Số tái hòa nhập là: 130 người, chuyển cơ quan khác 23 trường hợp. Hiện Cơ sở đang quản lý 243 học viên, trong đó có 237 học viên cai nghiện bắt buộc; 04 học viên không có nơi cư trú ổn định đang chờ các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục chuyển tòa xem xét; 02 học viên cai nghiện tự nguyện. Công tác phòng, chống thẩm lậu ma túy vào Cơ sở thường xuyên được chỉ đạo thực hiện, kịp thời báo cáo ngành chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật khi phát hiện.

Công an các cấp đẩy mạnh công tác triệt xóa các đường dây mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Đến nay đã xử lý: đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP CP  là 932 người, có Quyết định 840 người, chưa có Quyết định 92 người; đưa vào Nghị định số 221/2013/NĐ-CP là 168 người, có Quyết định 162 người, chưa có Quyết định 06 người; từ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP CP lên Nghị định số 221/2013/NĐ-CP là 235 người, có Quyết định 204 người, chưa có Quyết định 31 người.

Năm 2017, Sở Y tế đã tổ chức bổ sung thêm một lớp tập huấn về chuẩn đoán, điều trị, cắt cơn nghiện ma túy cho 40 người là y, bác sỹ của Bệnh xá Công an tỉnh, Cơ sở điều trị nghiện và các Bệnh viện, các trung tâm y tế. Nâng tổng số Y, Bác sỹ được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về chuẩn đoán, điều trị, cắt cơn nghiện ma túy 69 người. Tiến hành xác định tình trạng nghiện cho 1.393 người có hồ sơ quản lý (có 1.393 người được xác định nghiện ma tuý). Ngoài ra tính đến ngày 08/8/2017 đang tổ chức điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone cho hàng trăm người nghiện ma túy nhóm Opiat.

Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo Toà án nhân dân cấp huyện đẩy nhanh tiến độ họp xét, ra Quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo trình tự, thủ tục theo luật định. Toà án nhân dân các huyện, thị xã thành phố đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ trong việc tổ chức các phiên họp của toà tại địa bàn và tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh. Xem, xét và ra Quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo trình tự, thủ tục theo luật định. Đến nay đã tổ chức họp xét ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở điều trị nghiện cho 345 người nghiện.

Bên cạnh công tác điều trị, chăm sóc người nghiện, Cơ sở điều trị đã tổ chức dạy nghề “Tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối” và “Đan ghế nhựa” cho 90 học viên để sau khi trở về địa phương, tái hoà nhập cộng đồng họ có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân; tổ chức tư vấn hướng nghiệp các nghề cho 63 học viên chấp hành xong quyết định về tái hòa nhập cộng đồng và thông báo với địa phương để được xem xét hỗ trợ giúp đỡ, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để ổn định cuộc sống. Cơ sở duy trì thường xuyên các hoạt động sản xuất như: Chăn nuôi, chăm sóc cây kiểng, trồng cây tạo cảnh quan cho đơn vị.

Tiếp tục duy trì công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tệ nạn xã hội từ cơ sở

Qua kết quả phân loại đến cuối năm 2016, trong tổng số 144 xã, phường, thị trấn đã có 17 xã, phường được chuyển hóa và duy trì không có cả tệ nạn ma túy, mại dâm bằng 11,80% ; 24 xã không có tệ nạn ma túy bằng 16,66% và 109 xã không có tệ nạn mại dâm bằng 75,69%. Năm 2017 phối hợp với MTTQ, Công an tỉnh và BCĐ 138/ĐP cấp huyện trực tiếp hỗ trợ duy trì các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý, mại dâm theo kết quả phân loại của năm 2016; đồng thời hỗ trợ triển khai xây dựng mới 12 xã không có tệ nạn ma túy, 12 xã không có tệ nạn mại dâm và 12 xã không có cả tệ nạn ma túy và mại dâm; duy trì 16 xã, phường thí điểm Mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng và triển khai mới 06 xã, phường (từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội của Sở, đã hỗ trợ 434 triệu đồng cho các xã triển khai các hoạt động không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo Kế hoạch). Ngoài ra còn phối hợp với các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động người nghiện tham gia điều trị nghiện tại cộng đồng bằng thuốc thay thế Methadone theo kế hoạch.

Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực được các ngành các cấp triển khai đồng bộ,  công tác phòng chống tệ nạn xã hội của Đồng Tháp 2 năm (2016-2017) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình tệ nạn xã hội đã được kéo giảm, an ninh trật tự án toàn xã hội được giữ vững, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là cơ chế, chính sách liên quan đến công tác này có nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thống nhất, vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể như sau:

- Đề nghị các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy” theo hướng “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”; đối với Luật Phòng chống ma túy cần sớm đề xuất bãi bỏ hình thức cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng và hình thức quản lý sau cai tại Cơ sở cai nghiện; đề xuất bãi bỏ hình thức áp dụng biện pháp đưa người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho phù hợp với thực tế hiện nay.

- Đối với Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 35a Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ theo hướng: ‘‘Người nghiện ma túy đang được quản lý tại xã, phường, thị trấn nếu tiếp tục vi phạm thì hủy Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đề nghị áp dụng biện pháp đưa ngay vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để cai nghiện’’; Sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 về quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy định xử lý đối với hành vi mại dâm nam; mại dâm đồng tính; hoạt động khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ và đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ không đăng ký bản cam kết về phòng, chống tệ nạn mại dâm với chính quyền địa phương.

                                                                                                                       CNP