Bài 2 : VÀI TRAO ĐỔI VỀ ĐIỀU TRỊ THAY THẾ BẰNG METHADONE: NHỮNG ĐIỀU TRĂN TRỞ Ngày đăng: 31/10/2017
Cần có cái nhìn đa chiều, khách quan, khoa học để hoàn thiện chương trình điều trị thay thế bằng methadone (MMT)

Những điều trăn trở

Đó là những vấn đề trước mắt và lâu dài

Một là: 1 trong 5 nguyên tắc điều trị MMT đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là “Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện phải trải qua các giai đoạn: Khởi liều, điều chỉnh liều hoặc dò liều, điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị”. Để “Điều trị duy trì, giảm liều, tiến tới ngừng điều trị” thì không thể chỉ ngành y tế, không chỉ cơ sở điều trị MMT (chỉ cho uống thuốc và tư vấn y tế) mà phải kết hợp rất nhiều các biện pháp tâm lý, xã hội khác.

Sở dĩ những người duy trì điều trị thời gian qua, họ còn có sự hỗ trợ hết sức thiết thực của cán bộ tư vấn tại cộng đồng, người thân, gia đình, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ, nhóm, đồng đẳng, bằng sự động viên, trợ cấp, khó khăn, trợ giúp sinh kế, làm trong sạch địa bàn ma túy… Với người muốn “giảm liều, tiến tới ngừng điều trị” thì sự trợ giúp xã hội càng phải quan tâm sâu sắc hơn. Tiếc thay, không hiểu vì sao, cơ quan tham mưu, qua hai lần thay đổi Nghị định về MMT nhưng vẫn không có 1 dòng quy định về các biện pháp tâm lý, kinh tế, xã hội cần phải có đối với điều trị MMT.

Do không có chính sách cụ thể về các vấn đề quản lý, tâm lý, xã hội nên việc bỏ điều trị nửa chừng diễn ra khá phổ biến. Có nơi số bỏ điều trị 25% ngay giai đoạn đầu, có nơi gần bằng số mới tham gia chương trình. Thành thử con số báo cáo là 100 người đang điều trị nhưng thực ra số lượt người tham gia điều trị là 150-200 lượt người. Mặt khác, theo nhiều báo cáo, số người sử dụng kèm heroin và dùng cả ma túy tổng hợp đang diễn ra (cứ có tiền là người nghiện dùng lại ma túy để lấy lại cảm giác “phê” như trước khi điều trị MMT). Hàng nước, quán giải khát gần cơ sở MMT thành tụ điểm của người MMT bàn tán, mua bán heroin, ATS. Đành rằng, chúng ta phải chấp nhận tình trạng trên nhưng nếu không kiểm soát được tình hình và để nó trở thành phổ biến thì ý nghĩa, hiệu quả của MMT sẽ giảm sút nhiều.

Người nghiện điều trị bằng Methadone tại Hải Phòng

Không lẽ chúng ta đã bỏ qua khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ, trong chuyến thăm và làm việc của Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cuối năm 2009 tại Hoa Kỳ về chương trình sản xuất Methadone, các chuyên gia Mỹ đã khuyến cáo “điều trị thay thế nghiện bằng Methadone đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương, kết hợp các dịch vụ xã hội khác, nếu chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được và kém hiệu quả…cần chú ý sử dụng đúng liều (quá liều có thể gây tử vong hoặc ngộ độc, dùng lâu không giảm liều có thể nghiện chất thay thế…)”.

Và đây là Tuyên bố của Viện Y tế quốc gia, Văn phòng Giám đốc, Bộ Y tế Hoa Kỳ tháng 11/1997: “Trong số các phương pháp điều trị khác nhau, điều trị duy trì Methadone, kết hợp với sự chú ý đến các vấn đề về y tế, tâm thần và kinh tế xã hội, cũng như tư vấn về ma túy, có khả năng có hiệu quả cao nhất".

Hai là: (cũng liên quan đến vấn đề thứ nhất) đó là “Dùng lâu (Methadone) không giảm liều có thể nghiện chất thay thế”.

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, trước kia nghiện heroin bây giờ nghiện methadone thì có khác gì (!). Sự thật  khác hoàn toàn. Khi thiếu heroin sẽ xuất hiện “hội chứng cai” (đau đớn, vật vã, toát mồ hôi, giãn đồng tử…). Lúc đó cho uống methadone, “hội chứng cai” sẽ không xuất hiện hoặc biến mất. Còn khi nghiện methadone cũng xuất hiện “hội chứng cai”, cũng đau đớn, vật vã nhưng  là “hội chứng cai” của methadone chứ không phải heroin nữa. Lúc đó phải dùng methadone (có khi phải liều cao hơn-dễ dẫn đến tử vong). Nghiện heroin thì có methadone để điều trị thay thế nhưng nghiện methadone thì không có thuốc gì để điều trị thay thế. Còn nếu cai nghiện methadone thì cực kỳ khó khăn (nói như một số chuyên gia Úc “vô phương cứu chữa”). Giai đoạn cai cắt cơn heroin chỉ 5-15 ngày nhưng với methadone hàng tháng vẫn chưa kết thúc (cơ sở cai nghiện nước ta đã từng làm). Nghiện methadone để lại hậu quả lâu dài.  

Một số thông tin quốc tế để tham khảo

Hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nước nào có chương trình phòng chống ma túy là có chương trình điều trị cai nghiện nhưng 60-70 năm qua chỉ có 70-80 nước điều trị MMT. MMT được sử dụng cho 20% ​​-25% các cá nhân phụ thuộc vào opiat ở Bắc Mỹ. Tại Mỹ, nhiều bang không điều trị MMT.

Nước Nga không điều trị MMT. Viktor Ivanov, Giám đốc Dịch vụ Kiểm soát Ma túy Liên bang Nga đã nhiều lần nhấn mạnh trong các diễn đàn như LHQ rằng Nga phản đối việc điều trị các cá nhân phụ thuộc ma túy với methadone và rằng không có bằng chứng khoa học nào về hiệu quả của liệu pháp này. 

 Theo chuyên gia các nước ASEAN, Singapore đã từng điều trị thay thế bằng Buprenorphin (chất đồng vận với nhóm opiate, tương tự như methadone nhưng chất lượng, hiệu quả, an toàn hơn) nhưng đã bỏ chương trình này. Malaysia đã từng có 30.000 người điều trị MMT nhưng nay giảm dần và chủ yếu tại cộng đồng do các NGO tổ chức. Philippine không chú ý đến MMT “do tỷ lệ người sử dụng ATS cao”. Lào có 200 người điều trị MMT. Thái Lan có điều trị MMT nhưng số liệu không rõ. Sau Việt Nam, Myanmar có số người điều trị MMT cao nhất, khoảng 8.000 người.

Theo 1 nghiên cứu được thông báo, tại Mỹ hơn 10 năm qua, có hơn 130.000 trẻ em (năm 2013 có 27.000 em) mới sinh ra đã lệ thuộc vào chất gây nghiện trong đó có Methadone, do mẹ các em đang dùng các loại này. Các hội chứng biểu hiện là biếng ăn, nôn chớ, tiêu chảy nặng, nhạy cảm với các kích ứng nhỏ nhất. Cứ 19 phút có 1 em sinh đã lệ thuộc chất gây nghiện. Hơn 5 năm qua, hơn 100 trẻ em tử vong.

Tài liệu của Trung tâm y tế Detox Novus, Hoa Kỳ, theo thống kê của chính phủ liên bang các thuốc giảm đau methadone, heroin như là nguyên nhân phát triển nhanh nhất của cái chết gây ngủ, và đứng cao trong số các loại thuốc liên quan đến tỷ giá tăng vọt của nghiện thuốc theo toa trên cả nước. Ở Florida, cái chết do methadone tăng hơn gấp đôi trong một khoảng thời gian chỉ bốn năm, nhảy từ 367 người trong 2003 lên 785 trường hợp tử vong trong năm 2007.

Việc cần làm ngay

Những giá trị, hiệu quả của điều trị MMT là hết sức quan trọng. Điều đó đã được thực tế chứng minh và khẳng định. Những cách làm hay và làm tốt cần được nhân rộng và phát triển. Vấn đề đáng quan tâm là cần xem xét để hoàn thiện chương trình điều trị. Nếu điều trị MMT mà hàng ngày chỉ đơn giản cho uống thì quá dễ dàng, chỉ mang lại một số hiệu quả trước mắt. Còn muốn “điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị” như quy định của Chính phủ thì phải thực hiện tổng thể, công phu nhiều giải pháp. Làm được như vậy mới không để lại những hậu quả khôn lường lâu dài, đó là nghiện methadone, tử vong do methadone, thế hệ con cái bị ảnh hưởng sức khỏe, tử vong do bố, mẹ dùng methadone...

Từ khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ và thực tế  điều trị MMT cần sớm điều chỉnh, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật về MMT với  những nội dung, giải pháp về quản lý, tâm lý, xã hội, kinh tế ngoài biện pháp y tế đã nêu. Lúc đó điều trị MMT mới thực sự là “Giải pháp vàng” như có người tự đánh giá.

Do vậy, cũng cần cân nhắc thấu đáo, cứ tiếp tục mở rộng điều trị MMT với cách làm hiện nay hay phải quan tâm đến chất lượng, làm đâu chắc đó, thực sự là điều trị MMT bài bản rồi mới mở rộng./.

Lê Hiền