Cần đổi mới chính sách can thiệp, giảm hại khi xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 30/10/2017
Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, các hoạt động phòng ngừa, giảm hại được quy định trong Pháp lệnh bao gồm có truyền thông⁄ tuyên truyền về PCMD, các can thiệp giảm hại và dạy nghề⁄ vay vốn, hỗ trợ việc làm giúp người bán dâm hoàn lương đã phát huy kết quả rất tích cực. Bên cạnh những biện pháp can thiệp cụ thể còn có các giải pháp khác mang tầm vĩ mô như phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo từ đó giúp phòng ngừa, hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, những hoạt động này trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế cần phải đổi mới khi xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay.

Hoạt động thông tin tuyên truyền

Các hoạt động truyền thông về phòng chống mại dâm đa dạng về hình thức (tổ chức cuộc thi tìm hiểu Pháp lệnh, phát bài truyền thanh trên loa đài, tập huấn), qua đó người dân từng bước nâng cao nhận thức về PCMD. Ngoài việc truyền thông cho cộng đồng, hoạt động và nội dung truyền thông cũng tập trung vào những nhóm đối tượng, những cơ sở có nguy cơ hoạt động mại dâm như nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch. Tổng số đã có khoảng 857.996 cuộc tuyên truyền được tổ chức, 11.432.498 tờ rơi được phát đến người dân, có khoảng 199.403 tin bài được viết và trên 17.000 CLB tuyên truyền PCMD được thành lập.

Ngoài ra như trên đã nói, các địa phương đã đưa tiêu chí về “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý” và tiêu chí xây dựng xã phường trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đây cũng chính là một hoạt động truyền thông đến các cán bộ cũng như người dân của các địa phương. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm cũng phải ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm trong kinh doanh.

Hoạt động truyền thông có sự tham gia của nhiều ban, ngành đoàn thể như LĐ-TB-XH, Văn hoá-Thể thao-Du lịch, Uỷ ban phòng chống HIV, Mặt trận tổ quốc, báo đài, Hội phụ nữ đây là một điểm thuận lợi cho công tác truyền thông, tuy nhiên kinh phí cho các hoạt động PCMD, trong đó chi cho hoạt động truyền thông còn hạn chế dẫn đến các hoạt động truyền thông chưa được thường xuyên, liên tục.

Hoạt động giảm hại trong phòng, chống mại dâm

Hoạt động can thiệp giảm hại tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người bán dâm. Các hoạt động giảm hại bao gồm phát bao cao su miễn phí, trao đổi bơm kim tiêm (với người bán dâm có nghiện chích ma túy), tuyên truyền sử dụng BCS thường xuyên và đúng cách cho người bán dâm, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và khám sàng lọc, điều trị STIs cho nhóm người bán dâm. Các hoạt động này được triển khai với sự phối kết hợp của nhiều ban ngành đoàn thể cũng như nhiều tổ chức. Trong thời gian qua, cũng có nhiều tổ chức UN, NGOs, INGOs (UNFPA, FHI, CDC) cũng triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại trong nhóm có nguy cơ nhiễm HIV nói chung và nhóm người bán dâm nói riêng.

Các hoạt động can thiệp giảm hại đã có những kết quả nhất định thể hiện ở các tỷ lệ nhiễm HIV, mắc STIs trong nhóm gái mại dâm trong thời gian qua có xu hướng giảm dần.

Dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng

Giải pháp tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận với nguồn sinh kế, các chương trình đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch thay đổi nghề nghiệp cho bản thân là một hoạt động cần thiết. Một số địa phương đã có những mô hình cụ thể nhằm hỗ trợ người bán dâm tái hoà nhập: TPHCM đã triển khai 03 mô hình: Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm có nhu cầu hoàn lương; Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ có nhu cầu hoàn lương. Ngoài ra với sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB-XH, một số địa phương cũng đã tiếp nhận những dự án có những hoạt động cụ thể hỗ trợ vay vốn, dạy nghề cho người bán dâm hoàn lương: dự án IILO/IIPECEC-TICW của TPHCM. Các mô hình lồng ghép phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ cao như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Tổ hợp tác”; “Hội viên làm kinh tế giỏi” cũng được phổ biến và nhân rộng ở các tỉnh/ thành như: TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ.

Khó khăn trong cho vay vốn, tạo việc làm và hỗ trợ hoà nhập cho người bán dâm là qui định về đối tượng vay vốn đều đề cập “là người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng và có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa bàn” thì phần lớn người bán dâm lại không có hộ khẩu tại nơi họ hành nghề mà thường là những người ở địa bàn khác đến hoạt động bán dâm, tỷ lệ người bán dâm ở TPHCM có hộ khẩu tại thành phố chỉ là 22,1% (tính trong số người bán dâm vào Trung tâm CBGDLĐXH, thời điểm trước năm 2012), thậm chí những năm 2007-2008 không có người bán dâm nào trong TT05 có hộ khẩu ở thành phố. Chính vì vậy mô hình hỗ trợ này cũng chưa hiệu quả, ở TPHCM qua 10 năm mới chỉ có 150 người bán dâm được tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn kinh doanh buôn bán nhỏ. Ngoài ra, qui định của một số quĩ yêu cầu người muốn hỗ trợ phải tạo dựng được cơ sở ban đầu (cửa hàng), sau đó quĩ mới hỗ trợ. Đây cũng là một điểm khó khăn cho chị em và tạo vòng luẩn quẩn chưa có hướng giải quyết: muốn vay vốn để mở cửa hàng nhưng vì chưa có cửa hàng nên không được vay vốn.

Có thể nói, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã qui định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động phòng ngừa, giảm hại trong phòng, chống mại dâm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện cho thấy hầu như các biện pháp can thiệp được triển khai mới tập trung vào giai đoạn người bán dâm đang hoạt động, các can thiệp ở giai đoạn trước khi tham gia vào hoạt động mại dâm còn chưa được triển khai đồng bộ; hoạt động hỗ trợ hoàn lương vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động phòng ngừa, giảm hại theo hướng tăng cường giải pháp phòng ngừa, xây dựng các biện pháp can thiệp phù hợp đặc điểm của từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng đặc biệt là các đối tượng có thể di cư từ vùng nông thôn ra thành phố tìm kiếm việc làm, giúp họ học nghề, vay vốn, tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định ngay tại các vùng nông thôn nhằm hạn chế thấp nhất số người bị sa vào tệ nạn mại dâm./.

                                                                                            Cao Nhất Phiến