Quảng Bình: các Sở, ngành trong tỉnh chú trọng phòng, chống ma túy Ngày đăng: 18/04/2014
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, năm 2013, toàn tỉnh có trên 2.000 người ở 7⁄7 huyện, thành phố có liên quan đến ma túy, trong đó có khoảng 900 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Không chỉ tập trung ở các địa bàn trung tâm như thành phố, thị trấn, thị tứ như trước đây mà ma tuý đã lan đến các địa phương vùng sâu, vùng xa. Điều đáng lo ngại là tệ nạn ma túy đã làm tăng số người lây nhiễm HIV⁄AIDS. Trước tình hình đó, toàn tỉnh đã huy động sự tham gia tích cực của các

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp với các ngành và tổ chức thành viên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy theo chức năng, lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều mô hình điểm được duy trì ở 7/7 huyện, thành phố như mô hình “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có ma túy, mại dâm”, “Khu dân cư phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”. Mặt trận các cấp còn xây dựng các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy thu hút đông đảo người dân ở các địa phương tham gia hưởng ứng.

Để góp phần tham gia có hiệu quả dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức khóa tập huấn về kỹ năng truyền thông phòng chống ma túy và vai trò của các cấp hội trong phòng chống ma túy cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả mô hình “Chi, tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy” tại thành phố Đồng Hới với sự tham gia của 16 xã, phường. Ngoài việc xây dựng một số mô hình câu lạc bộ như “Phụ nữ với công tác phòng chống ma túy, mại dâm”, “Chi hội phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện và hạn chế tái nghiện”..., tổ chức hội ở các địa phương còn giúp đỡ người nghiện cai nghiện tại cộng đồng thông qua hình thức giám sát, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Hội còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy giai đoạn 2012-2015, Luật Phòng chống ma túy cho các hội viên thông qua nhiều hình thức phong phú như sử dụng sân khấu hóa, sinh hoạt chuyên đề theo nhóm, tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy ở tất cả các trường học và Phòng Giáo dục các huyện, thành phố; thực hiện ký cam kết giữa học sinh, sinh viên với các tổ chức đoàn, hội cha mẹ học sinh cùng các đoàn thể, lãnh đạo nhà trường về “không sử dụng ma túy và tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên trong trường học”. Nhiều chi đoàn ở các trường học đã xây dựng được câu lạc bộ “Hãy nói không với ma túy” và duy trì các hình thức sinh hoạt phong phú với chủ đề: “Học đường là môi trường không có ma túy”, “Tuổi trẻ học đường hãy tránh xa ma túy”, “Không để ma túy xâm nhập vào học đường”.

Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cũng tích cực trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện Trong năm 2013, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận 72 lượt người (23 lượt bắt buộc, 49 lượt tự nguyện) vào cai nghiện tập trung. Việc cai nghiện được thực hiện theo quy trình: tiếp nhận, phân loại, lấy máu xét nghiệm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm, điều trị cắt cơn, quản lý sức khỏe theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Công an tỉnh chỉ đạo điều tra cơ bản, tổng rà soát tình hình tội phạm và người nghiện ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn, khu vực trọng điểm. Lực lượng chuyên trách thuộc Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để tấn công trấn áp tội phạm về ma tuý và đã phát hiện, điều tra khám phá hàng trăm vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý, theo đó, hàng trăm đối tượng phạm tội về ma túy đã bị bắt.

Nhờ sự phối hợp đồng bộ kể trên, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được kiểm soát, giảm phát sinh người nghiện mới, số người nghiện cũ được tư vấn để lựa chọn những hình thức cai nghiện phù hợp và hỗ trợ học nghề, tìm việc làm tái hòa nhập cộng đồng bền vững./.