HÀNH TRÌNH ĐẾN CHUẨN QUỐC TẾ VỀ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN: NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY Ngày đăng: 27/10/2017
Để tiệm cận với chuẩn quốc tế về điều trị rối loạn do sử dụng ma túy của Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam cần làm gì và bước đi như thế nào?

Tài liệu về chuẩn quốc tế

Tháng 3/2008, LHQ (UNODC và WHO chủ trì) đã ban hành tài liệu Các nguyên tắc điều trị, cai nghiện lệ thuộc ma túy nhằm khuyến khích Chính phủ các nước cũng như các đối tác khác thống nhất hành động để thực hiện các dịch vụ điều trị cai nghiện lệ thuộc ma tuý dựa trên bằng chứng để đáp ứng nhu cầu của người dân (tài liệu gồm 37 trang, bản dịch tiếng Việt).

 Tám năm sau, (tháng 3/2016), trước xu hướng sử dụng các loại ma túy mới tăng lên (đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), trên cơ sở tiến bộ khoa học, đúc kết kinh nghiệm và trước yêu cầu từ thực tiễn các nước, LHQ thông qua tài liệu Chuẩn quốc tế về điều trị rối loạn sử dụng ma túy  gồm 7 Nguyên tắc chung nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên thiết lập và mở rộng các dịch vụ điều trị hiệu quả và nhân đạo (tài liệu gồm 104 trang, bản dịch tiếng Việt). Có thể nói, tài liệu năm 2016 đã phát triển và nâng cao nhận thức, khoa học, chuyên môn về điều trị nghiện so với tài liệu năm 2008, đặt ra những yêu cầu mới cho công tác này của các nước, trong đó có Việt Nam.

Hai thái độ cần tránh

Tiếp cận tài liệu về chuẩn quốc tế điều trị, cai nghiện, hai thái độ cần tránh là:

Thứ nhất: cho rằng các nguyên tắc, tiêu chuẩn là quá cao, là "xa vời" so với nước ta, dẫn đến bị "choáng ngợp; tài liệu chỉ phù hợp với các nước phát triển khi luật lệ, nhận thức xã hội, cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ, đội ngũ cán bộ khoa học và cai nghiện đã phát triển trong khi điều kiện của ta chưa cho phép. Do vậy, tài liệu trước mắt để tham khảo là chính, "kính nhi viễn chi", áp dụng được đến đâu hay đến đó, vội cũng không thể làm được.

Thái độ này là không đúng. Nếu tách riêng từng nước, ngay cả nước phát triển cũng có thể chưa đạt được tất cả các nguyên tắc và tiêu chuẩn đó vì những nguyên tắc này được tổng hợp và xây dựng từ nhiều tổ chức khác nhau (EMCDDA, CICAD, NIDA, SAMHSA...), tổng hợp tình hình, cách thực hiện tốt của nhiều nước. Trong thời đại toàn cầu hóa và hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn hay không (dù đang ở trình độ nào và để "đạt chuẩn" còn bao lâu nữa) chúng ta vẫn phải nỗ lực phấn đấu theo các nguyên tắc chung của LHQ nếu không muốn "tụt hậu" ngày càng xa.

 Thứ hai: công tác cai nghiện của ta có đặc thù riêng, có bề dày kinh nghiệm và không ít thành quả. Hãy đi bằng chính đôi chân của mình và hãy thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của quốc gia. Ta cũng đang đổi mới và không phải quốc tế nói gì là ta theo, "hòa nhập chứ không hòa tan". Chuẩn quốc tế của LHQ không phải văn bản "quy phạm pháp luật", không bắt buộc thực hiện.Và như vậy tài liệu này như nhiều tài liệu khác của quốc tế, cũng chủ yếu là để nghiên cứu, tham khảo, khi có điều kiện thì làm hoặc chỉ áp dụng một phần.

Thái độ này cũng không đúng. Việt Nam là thành viên của LHQ, là nước đang phát triển. Công tác điều trị cai nghiện chưa thực sự hoàn hảo. Mọi thành công về cai nghiện thời gian qua đều có sự nghiên cứu, học hỏi và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Tinh thần cầu thị, quan tâm áp dụng những vấn đề mang tính tiên tiên của thế giới mới là khôn ngoan. Nếu lúc này bảo thủ hoặc chủ quan không biết mình đang đứng ở vị trí nào so với chuẩn quốc tế để phấn đấu thì tự đánh mất cơ hội hòa nhập, nâng cao hiệu quả công tác này.

Thuận lợi và khó khăn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

 Về thuận lợi, trước hết là quan điểm chỉ đạo. Có thể nói, đường lối, chủ trương Đảng và Nhà nước hết sức rõ ràng, quyết liệt, đổi mới, đặt nhiệm vụ phòng chống ma túy, trong đó có công tác điều trị cai nghiện là nhiệm vụ chính trị. Đường lối, chủ trương đã trở thành chiến lược với hệ thống chính sách, pháp luật, giải pháp đồng bộ. Đó là điều kiện tiên quyết để tiến đến chuẩn quốc tế về điều trị nghiện.

Mặt khác, nhiều năm qua, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ và được hỗ trợ từ nhiều dự án của UNODC và các tổ chức quốc tế về tăng cường và nâng cao năng lực cai nghiện như "Trị liệu cộng đồng" (TC), "Phòng chống ma túy dựa vào cộng đồng" (CB-DAC), "Giáo dục kỹ năng sống" (Venue Living), "Phòng chống HIV/AIDS tại Cơ sở cai nghiện" của Quỹ Toàn cầu, các chương trình tập huấn của Colombo Plan, các chương trình hợp tác song phương với các nước trong khu vực…Việc thực hiện có hiệu quả và có sáng tạo nhiều chương trình dự án đã đóng góp chung vào kinh nghiệm quốc tế được nhiều nước đánh giá cao và học tập. Một số hoạt động và cơ sở cai nghiện đã tiến tới "chuẩn quốc tế". Do vậy, chúng ta không xa lạ với Các nguyên tắc chung của tài liệu LHQ năm 2016.

Một thuận lợi cơ bản nữa là chúng ta đang thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những đổi mới mang tính chất cách mạng nhận thức về nghiện ma túy, điều trị cai nghiện ma túy thì những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra và đang bắt đầu thực hiện cũng mang tính thời đại như tôn trọng quyền con người, đa dạng hóa dịch vụ cai nghiện tự nguyện để trở thành biện pháp cơ bản vào năm 2020, kết hợp giảm cầu với giảm cung, đào tạo cán bộ chuyên môn, tăng cường giám sát, đánh giá…

Bên cạnh những thuận lợi đó cũng có không ít khó khăn. Chuẩn quốc tế là hệ thống nguyên tắc, tiêu chuẩn lớn, đa dạng liên quan đến quan điểm, nhận thức và nhiều chính sách kinh tế-xã hội. Để áp dụng chuẩn quốc tế, cần phải khắc phục nhiều vấn đề như: nhận thức chung còn thiếu thống nhất về điều trị cai nghiện, về yêu cầu nâng cao hiệu quả và tầm quan trọng phấn đấu đến chuẩn quốc tế, về chính sách đầu tư các nguồn lực, đào tạo cán bộ chuyên môn và huy động các lực lượng, các bất hợp lý chậm được khắc phục giữa các quy định  chính sách, pháp luật, sự thụ động, hạn chế năng lực, "ngại" đổi mới vì mất nhiều công sức …

Những việc cần làm ngay

Chuẩn quốc tế bao gồm 7 Nguyên tắc chung: Điều trị cần luôn sẵn có, tiếp cận được, thu hút và phù hợp với nhu cầu của người bệnh/ Bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức trong dịch vụ điều trị/ Khuyến khích điều trị rối loạn sử dụng chất thông qua sự phối hợp hiệu quả giữa hệ thống tư pháp, y tế và các dịch vụ xã hội/ Điều trị phải dựa trên các bằng chứng khoa học và các nhu cầu cá nhân của bệnh nhân rối loạn nghiện chất/ Ứng phó với những nhu cầu của các nhóm và các điều kiện khác biệt/ Bảo đảm có cơ cấu quản trị lâm sàng tốt cho các dịch vụ và chương trình điều trị rối loạn sử dụng ma túy/ Các chính sách, dịch vụ, thủ tục, cách tiếp cận và mối liên kết tích hợp phải được theo dõi và đánh giá liên tục.

Trước hết, cơ quan chuyên môn về điều trị, cai nghiện cần dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ, hiểu thấu đáo nội hàm của các nguyên tắc chung. Trên cơ sở đó, rà soát, đánh giá, đối chiếu với tình hình và chiến lược điều trị cai nghiện (xác định ta đang ở vị trí nào so với chuẩn quốc tế) để đề ra lịch trình, tiến độ, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các nội dung đã đúng hướng tiến tới chuẩn quốc tế hoặc bổ sung các nội dung còn thiếu, "chuẩn" lại các nội dung xét thấy không phù hợp với chuẩn quốc tế. Lựa chọn các nội dung quan trọng làm "đột phá khẩu" để triển khai, đồng thời, có thể thí điểm một số mô hình toàn diện áp dụng chuẩn quốc tế để nhân rộng. Mặt khác, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật, các điều kiện tăng cường nguồn lực để phục vụ cho việc thực hiện.

Không thể và không nên "bê nguyên xi" chuẩn quốc tế áp dụng vào Việt Nam. Từ các nguyên tắc chung của quốc tế, cần cụ thể hóa thành các hoạt động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội cũng như các đặc điểm người nghiện nước ta…thì mới thành công và đóng góp vào kho kinh nghiệm của quốc tế.

Điều rất quan trọng là cần tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các cơ quan của LHQ để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, mô hình của các nước đã đạt nhiều thành công. Tham gia làm thành viên của tổ chức chuyên đào tạo cho cán bộ điều trị, cai nghiện như Tổ chức toàn cầu về nghiên cứu và thực hành hỗ trợ dự phòng nghiện chất, điều trị những rối loạn do nghiện chất và phục hồi (ISSUP), Chương trình Colombo Hợp tác Phát triển Kinh tế châu Á và Thái Bình Dương (Colombo Plan)…

Cuối cùng, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và đồng hành suốt trong quá trình thực hiện để nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là cán bộ trong lĩnh vực đào tạo, cai nghiện, cán bộ các cơ quan chức năng liên quan về vai trò, tầm quan trọng, hoạt động và thành tựu của Việt Nam trong quá trình "chinh phục" chẩn quốc tế./.

Lê Hiền