Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. Ngày đăng: 29/09/2017
Ngày 29⁄9⁄2017, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” (ACTIP). Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM và TS. Apiradee Thienthong, Điều hành viên khu vực IOM,đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TBXH, một số địa phương cùng các chuyên gia của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam....

Cam kết mạnh mẽ của cộng đồng ASEAN

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội: ACTIP là sáng kiến, là văn kiện pháp lý thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm cao của các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, Hội thảo lần này với mục đích triển khai nội dung ACTIP (gồm 7 Chương, 31 Điều); nâng cao nhận thức và hiểu biết về phòng chống mua bán người; xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về những khó khăn trong việc triển khai đề án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong việc phòng ngừa, phát hiện, tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; kinh nghiệm tổ chức các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại các địa phương... từ đó, đề xuất  các biện pháp để triển khai hiệu quả việc thực thi ACTIP trong thực tiễn.

Phó Cục trưởng Lê Đức Hiền phát biểu tại Hội thảo

Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam cho biết: ACTIP được thông qua đã thể hiện cách tiếp cận quan trọng trong phòng, chống mua bán người; là cách giải quyết thách thức liên quan đến di cư, thể hiện sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như những cam kết mạnh mẽ. Việc ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan thể hiện cam kết, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người...

Các đại biểu dự Hội thảo cũng chia sẻ các giải pháp, sáng kiến của Việt Nam đã và đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống mua bán người cũng như triển khai thực hiện ACTIP, các kế hoạch cũng như các yêu cầu áp dụng thực hiện Công ước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chỉ ra những khó khăn, thách thức cần khắc phục để thực hiện có hiệu quả nhất.

Mua bán người - Cuộc chiến còn nhiều khó khăn, thách thức

Hiện nay, tình hình tội phạm liên quan tới mua bán người ở Việt Nam đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước… Đặc biệt là các địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc, Campuchia,... các nhóm tội phạm thường sử dụng làm địa bàn trung chuyển.

Theo số liệu điều tra, rà soát (tính đến ngày 15/5/2016), có 2.596 trường hợp, trong đó có 1.612 nạn nhân; 1.414 người bị nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Địa phương có nhiều nạn nhân như: Sơn La (367); Lào Cai (267); Nghệ An (263)...; tỷ lệ nữ chiếm 97%; dân tộc Kinh 20%, còn lại là các dân tộc khác; độ tuổi dưới 30 chiếm 86%... Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã tiếp nhận 265 nạn nhân, xác minh 67 nạn nhân. 100% nạn nhân được hỗ trợ ban đầu theo quy định.

Theo ý kiến đại biểu của một số địa phương, việc tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn nhiều thách thức như: việc tiếp nhận nạn nhân trong điều kiện, hoàn cảnh cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn; đa số nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, thủ tục tiếp nhận phức tạp; con đường trở về của nạn nhân rất gian nan, nguy hiểm do thời gian bị mua bán lâu, qua nhiều năm, qua nhiều vùng, thậm chí nhiều quốc gia nên thường bị khủng hoảng, sang chấn về tâm lý. Nhiều người tự giấu thông tin, không khai báo; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ...

Chính vì vậy, để thực hiện tốt ACTIP, đặc biệt là hỗ trợ nạn nhận bị mua bán là phụ nữ và trẻ em cần tập trung nâng cao công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tội phạm liên quan tới mua bán người, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; xác định đối tượng ưu tiên phòng ngừa ở trong gia đình và địa bàn có nguy cơ cao để tập trung giải pháp có hiệu quả; cải cách thủ tục tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân một cách thuận lợi, thiết thực; lồng ghép việc phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân với các chương trình, đề án xã hội khác; tăng cường hệ thống dịch vụ xã hội để nâng cao chất lượng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; giao trách nhiệm cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và kết nối giữa các địa phương trọng điểm về tình trạng mua bán người...

Kết luận Hội thảo, ông Lê Đức Hiền đánh giá cao trách nhiệm và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế chia sẻ tại Hội thảo. “Cuộc chiến phòng, chống mua bán người còn nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta phải đối mặt với nó. Trong thực tiễn, nhiều mô hình, cách làm hay, có hiệu quả đã xuất hiện ở nhiều địa phương... Việc triển khai, thực hiện Công ước phù hợp với thực tiễn là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Vì vậy, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, thời gian tới, đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng với Việt Nam xây dựng, triển khai các dự án hỗ trợ về kỹ thuật, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi Công ước...”, ông Hiền nhấn mạnh./.

 

D.Ngọc