Cần Thơ phấn đấu 50% người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm vào năm 2020 Ngày đăng: 02/08/2017
Đến năm 2020, 80% người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị nghiện; 60% người nghiện ma túy được dạy nghề; 50% người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm. Xây dựng được ít nhất 01 mô hình cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích tự nhiên là 1.401,61 km2 ; dân số 1,6 triệu người, gồm có 5 quận, 4 huyện với 85 phường, xã, thị trấn, 2.279 cơ sở kinh doanh có điều kiện. Trên địa bàn có nhiều vị trí chiến lược quan trọng và nhiều trụ sở cơ quan trung ương đặt tại thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, song cũng là những điều kiện để các loại tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy.

Mặc dù công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được các cấp chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; đã bóc gỡ được nhiều đường dây, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy; công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai nghiện được quan tâm, góp phần kiềm chế sự gia tăng số người nghiện ma tuý, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa thực sự vững chắc, công tác phòng, chống ma túy còn có những hạn chế, bất cập; tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, địa bàn lan rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, triệt phá. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới nguy hiểm nhất là ma túy tổng hợp dạng đá, chưa có phác đồ cắt cơn, giải độc. Công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tại cộng đồng chưa phát huy hiệu quả; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm vẫn còn ít; xã hội còn phân biệt, kỳ thị đối với người nghiện… Số vụ phạm pháp hình sự do người nghiện ma túy gây ra còn nhiều; tiêm, chích ma túy vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm lây nhiễm HIV.

Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2016, thành phố có 2.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Người nghiện chủ yếu trong độ tuổi thanh thiếu niên (dưới 30 tuổi) chiếm 49,68%; số người nghiện ở độ tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) chiếm 1,67%. Người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định chiếm tỷ lệ cao (85%). Tỷ lệ người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm trên 75%. Đáng chú ý, ma túy đang dần len lỏi, xâm nhập vào học sinh, sinh viên.

Trước tình hình đó, ngày 31/7/2017, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Đề án số 05/ĐA-UBND về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017-2020 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức của người dân trong việc tham gia phòng, chống ma túy; nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cá nhân, tổ chức; tăng đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy. Duy trì thành quả đạt được, từng bước kiểm soát, kiềm chế sự gia tăng về số vụ phạm tội ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi hậu quả tác hại từ ma túy đối với mọi mặt của đời sống xã hội.

Về tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ: tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, nội dung, thời lượng phù hợp tại 100% xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất. Mỗi quận, huyện xây dựng được 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn/năm. Đến năm 2020, 70% người dân tại các địa bàn trọng điểm, nhất là nhóm tuổi có nguy cơ được tiếp cận các thông tin kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy và kỹ năng phòng, chống ma túy; 70% công nhân lao động tại các Khu công nghiệp - chế xuất được hiểu biết đầy đủ về nhiệm vụ phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống ma túy; 100% học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tệ nạn ma túy và được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy; 100% trường học trên địa bàn đạt tiêu chí “Trường học không có ma túy. Vận động trên 50% doanh nghiệp, 30% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia hoặc ủng hộ về vật chất vào công tác phòng, chống ma túy. Hàng năm, tối thiểu 50% số người nghiện ma túy được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giáo dục, giúp đỡ, 30% số người nghiện ma túy đảm bảo tiến bộ (không tái phạm).

Về quản lý người nghiện và sau cai nghiện: hạn chế phát sinh người nghiện mới; có trên 90% người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, tù tha về, đối tượng hình sự nghiện ma túy cư trú trên địa bàn có hồ sơ quản lý; mỗi năm 1% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện và giảm 1% số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước. Hàng năm, 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; 90% cơ sở cai nghiện đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy. Đến năm 2020, 80% người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị nghiện; 60% người nghiện ma túy được dạy nghề; 50% người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm. Xây dựng được ít nhất 01 mô hình cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố.

Công tác điều tra, xử lý tội phạm về ma túy: không phát sinh điểm phức tạp về ma túy, mỗi năm triệt xóa từ 5 - 10% số điểm hiện có, không để kéo dài quá 01 năm; không để phát sinh tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy ở địa bàn mới; tổ chức triệt xóa 100% diện tích trồng cây có chứa chất ma túy trồng trái phép được phát hiện; 100% tin báo, tố giác về tệ nạn ma túy do nhân dân cung cấp được tiếp nhận, xác minh, xử lý đúng thời hạn, đúng quy định; 100% số vụ án được đưa ra truy tố, xét xử đúng quy định, không để hủy án điều tra lại, không để xảy ra oan sai, sót lọt tội phạm; 80% các vụ án điểm về ma túy được chọn đưa ra xét xử công khai, lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục.

Ngoài ra, hàng năm, tập huấn nâng cao năng lực cho 100% cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đáp ứng các yêu cầu đề ra; 70% cán bộ sở, ngành, đoàn, hội, lực lượng cơ sở được tập huấn về công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy, kỹ năng quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi về ma túy. Đồng thời, trang bị mỗi đơn vị (gồm đơn vị thường trực, theo dõi thực hiện Đề án và lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống ma túy) 01 bộ máy vi tính, 01 máy tính xách tay phục vụ công tác phòng, chống ma túy;  trang bị xe mô tô cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đảm bảo 01 xe/02 cán bộ, chiến sỹ; 10 camera, 10 ống nhòm có khả năng nhìn đêm, 10 máy ghi âm phục vụ công tác; 100% cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và 01 cán bộ chuyên trách phòng, chống ma túy Công an các phường được trang bị một áo giáp; 100% địa bàn phức tạp về ma túy được gắn camera an ninh; xây dựng chuyên mục “Thực hiện Đề án phòng, chống ma túy” trên Trang Thông tin điện tử của thành phố.

Đề án đưa ra các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên gồm: tăng cường công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; phát huy hiệu quả, tác dụng của công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ trong cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường biên chế và nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng, chống ma túy; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, đầu tư kinh phí, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng, chống ma túy./.

T.A