Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 31/07/2017
Trong 2 ngày 31⁄7 - 01⁄8⁄2017, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; tham dự Hội nghị còn có đồng chí Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa Giáo- Văn xã (Văn phòng Chính phủ), đồng chí Hoàng Anh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát, Tổng Cục cảnh sát (Bộ Công an), đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH và đại diện lãnh đạo các Sở LĐTBXH, Chi cục PCTNXH, Cơ sở cai nghiện của các tỉnh, thành phố trọng điểm, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng, một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, sau 03 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và 02 năm thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ, nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ và thu được kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra như: 100% các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Kế hoạch đổi mới công tác cai nghiện của địa phương; Đã hoàn thành việc lập và phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện trên phạm vi cả nước đến năm 2020, định hướng 2030; ban hành Thông tư khung chương trình đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma túy; chuyển đổi 123 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xuống còn 105 cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng, giảm 18 cơ sở do giải thể hoặc chuyển đổi sang làm nhiệm vụ khác;

Một số chỉ tiêu, mục tiêu của Đề án bước đầu đạt kết quả: nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện mới đạt đạt 60%  (mục tiêu của Đề án 80%); nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và cai nghiện ma túy các cấp đạt 50% (mục tiêu của Đề án 80%); tăng tỷ lệ người nghiện được điều trị, cai nghiện bằng các hình thức đạt 50% (104.641/210.751) so với số người nghiện có hồ sơ quản lý (mục tiêu của Đề án 70%); tăng số điểm tư vấn tại cộng đồng từ 35 lên 240 điểm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 và Nghị định số 147/2003/NĐ - CP ngày 02/12/2003; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tăng cường quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy; chuẩn bị báo cáo, tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm tại địa phương năm 2017; Kế hoạch xây dựng biểu mẫu thống kê về cơ sở mại dâm; Hướng dẫn tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình về nâng cao năng lực các nhóm đồng đẳng trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại 5 tỉnh, thành phố; Tổ chức đoàn kiểm tra việc triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Cần Thơ, Huế, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang và Quảng Ninh; Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an, thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm một số tỉnh, thành phố trọng điểm; Xây dựng Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên; Kế hoạch phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh truyền thông phòng, chống ma túy trong thanh niên và tổ chức điều trị, cai nghiện ma túy.

Toàn cảnh Hội nghị

Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26/6, Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức một chuỗi các hoạt động bao gồm: ngày 10/6/2017, phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Mít tinh với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”; ngày 12⁄6/2017, phối hợp với Bộ Công an tổ chức Chương trình giao lưu tuyên truyền phòng, chống ma túy; ngày 14⁄6/2017, Cục PCTNXH phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta”; ngày 22⁄6⁄2017, tổ chức “Hội nghị nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công” tại Hà Nội. Ngoài ra, 150 bức ảnh và 40 video clip với chủ đề “Hiểm họa ma túy và khát vọng hòa nhập cộng đồng” đã được triển lãm, trưng bày tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang; Trường Đại học Lao động Xã hội; Khách sạn La Thành và tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Triển lãm đã thu hút hàng nghìn lượt khách tới thăm quan.

Tại địa phương: ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các Chương trình, Quyết định và Kế hoạch : triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy.

Trong công tác hỗ trợ vốn vay đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, từ năm 2012 đến nay, từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các chương trình, dự án, vốn đóng góp của Hội Phụ nữ, Nông dân đã tổ chức cho 2.925 cá nhân/hộ gia đình vay vốn với số tiền trên 26 tỷ đồng. Trong đó, riêng 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Quyết định 29/2014/QĐ-TTg đã cho 432 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 11.183 triệu đồng. Tiêu biểu là thành phố Hải Phòng đã cho 1.807 người yếu thế và hộ gia đình có người yếu thế được vay số vốn là 10.761,5 triệu đồng từ các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng, quỹ của Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các chương trình, dự án; thành phố Hồ Chí Minh, từ nguồn của các chương trình, dự án đã cho 502 người vay vốn với số tiền trên 5 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho 43 người vay; thành phố Hà Nội, trong năm 2016 đã có 33 người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 29/2014/QĐ- TTg với số tiền 930 triệu.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy, phòng, ngừa tệ nạn mại dâm và đã mang lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy và tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi khó kiểm soát hơn. Việc triển khai công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống tệ nạn mại dâm của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do rất nhiều nguyên nhân như: Sự thống nhất, đồng bộ trong văn bản chỉ đạo của Trung ương;  Quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma múy của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất; nguồn kinh phí của địa phương dành cho lĩnh vực này còn rất hạn chế dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, liên tục và thiếu hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp chúng ta đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của các địa phương.

Tại Hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung sau:

- Đánh giá thực chất những kết quả đã làm được, những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và những giải pháp triển khai của địa phương. Từ đó, qua thực tiễn thực hiện, từ những mô hình, cách làm hay, đưa ra được những giải pháp tháo gỡ, những hướng đi hợp lý nhất để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy tự nguyện nói riêng.

- Đánh giá những kết quả làm được trong 6 tháng đầu năm, những giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2017. Trong điều kiện Luật Phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh phòng chống mại dâm chưa sửa đổi, bổ sung, chúng ta cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm,vận dụng và có cách làm thế nào để khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay của địa phương mình trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp triển khai, khắc phục cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trước mắt và các biện pháp căn bản để đưa vào các luật sửa đổi, bổ sung sắp tới.

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua ban hành và phê duyệt nhiều văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực của ngành như Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020, Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong đó, quy định nhiều nội dung mới về Phòng, chống tệ nạn xã hội. Đây thực sự là cơ hội tốt và thức thách lớn với chúng ta. Chúng ta sẽ bàn bạc để triển khai như thế nào cho tốt.....

- Trao đổi, học hỏi những bài học quý, kinh nghiệm từ các địa phương khác trong công tác cai nghiện, phòng, chống mại dâm để tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác phòng chống tệ nạn xã hội nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong những năm tới./.

TM