Đội công tác xã hội tình nguyện phường An Thạnh với công tác phòng chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 15/05/2014
Phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là một đô thị giáp vùng biên giới Campuchia, có diện tích tự nhiên 474,77 ha ( 84,17 ha song ngòi), có 6.466 hộ và 24.983 nhân khẩu; địa bàn là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của thị xã Hồng Ngự, là nơi tập trung dân cư, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.Từ đó đã thúc đẩy kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh và dân số tăng cao, bên cạnh đó thì tình hình tệ nạn xã hội diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an

Trước tình hình đó, UBND phường đã đề nghị Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Ngự ra quyết định thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện (ĐTN) phường An Thạnh vào tháng 05/2009 gồm 06 tình nguyện viên. Trong đó Đội trưởng là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh phường, Đội phó là Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam phường, các tình nguyện viên là Bí thư Chi Đoàn khóm và Tổ bảo vệ dân phố;

Ngay từ khi thành lập, ĐTN đã xác định công tác tuyên truyền giáo dục là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, Đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS bằng nhiều hình thức như: phát 3.456 tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường được 134 bản tin; gắn kết công tác tuyên truyền trong các hội nghị của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ dân phố; tổ chức được 04 đợt hội thi và văn hóa văn nghệ cho 164 đoàn viên, hội viên; tổ chức tuyên truyền sinh hoạt dưới cờ cho 1.345 học sinh trường THCS về công tác phòng chống tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS; tổ chức được 03 đợt tọa đàm về tác hại và cách phòng chống ma túy cho 103 đoàn viên và quần chúng tham gia.

Bên cạnh đó, Đội tham gia quản lý tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Đội đã phân công mỗi tình nguyện viên phụ trách một địa bàn, khi phát hiện đối tượng nghi vấn có biểu hiện vi phạm pháp luật hoặc sa vào các tệ nạn xã hội thì Đội sẽ thông tin cho các ngành chức năng biết để phối hợp thực hiện. Hàng tháng Đội phối hợp với Công an, Tư pháp, trạm y tế, đoàn thể phường và ban nhân dân các khóm trực tiếp thâm nhập tìm hiểu nguyên nhân và hoàn cảnh gia đình của đối tượng kết hợp với công tác tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục 236 thanh niên chậm tiến và sau cai nghiện, kết quả có 192 đối tượng chuyển biến tích cực và được Hội đồng an ninh trật tự phường xét đưa ra khỏi diện. Hiện quản lý 18 đối tượng trong diện Nghị định 163/CP của Chính phủ trong đó có 08 đối tượng nghiện ma túy.

Trong quá trình hoạt động, Đội đã phát hiện và cung cấp thông tin cho công an phường phá 02 vụ bắt 04 đối tượng ma túy. Trong đó mua bán trái phép chất ma túy 01 vụ 01 đối tượng, sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ 03 đối tượng. Đồng thời, phối hợp với trạm y tế và công an phường tư vấn, giúp đỡ 03 người nghiện ma túy nói trên cai nghiện tại gia đình, kết quả có 01 đối tượng cai nghiện thành công.

Ngoài ra, Đội còn phối hợp với Công an và cán bộ giảm nghèo phường rà soát danh sách các đối tượng đã hoàn lương về địa phương hoặc các đối tượng trong diện Nghị định 163/CP của Chính phủ chấp hành tốt đã được Hội đồng an ninh trật tự phường xét đưa ra khỏi diện, tìm cách hỗ trợ để thanh niên tái hòa nhập và tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Trong thời gian qua, Đội đã trực tiếp liên hệ các cơ sở học nghề hoặc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường để tìm việc làm phù hợp cho trên 05 đối tượng (làm bảo vệ 02 đối tượng, thợ sửa xe Honda 01 đối tượng, thợ sữa điện thoại di động 02 đối tượng) và vận động được 01 đối tượng tham gia Tổ bảo vệ dân phố ở khóm 4, phường An Thạnh. Hầu hết các đối tượng đều làm đúng ngành nghề yêu thích và có thu nhập khá, tự nuôi sống được bản thân.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Đội còn phối hợp với Hội Người Cao tuổi phường thực hiện phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “thăm và tặng quà cho gia đình chính sách”, “giáo dục cảm hóa người lầm lỗi”, “tư vấn và giới thiệu việc làm”, “nhận phụng dưỡng người già neo đơn đến cuối đời”, “cất nhà cho người nghèo”, “tham gia công tác hòa giải ở khóm”. Từ các hoạt động đó đã giúp cho tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và phát huy góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đạt được kết quả trên là do có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, UBND và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội, gia đình và nhà trường trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn cụ thể, phải được duy trì thường xuyên trong các cuộc sinh hoạt khu dân cư để người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống mại dâm, ma tuý...