Một số kiến nghị từ hoạt động tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma túy ở tỉnh Hòa Bình Ngày đăng: 03/03/2014
Hòa Bình là một tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ của vùng Tây Bắc của tổ quốc với diện tích tự nhiên là trên 4.662 km2, bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số trên 850 ngàn người. Nguồn thu nhập chính của người dân Hòa Bình chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp với những cây con đặc sản của vùng; công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm khoảng trên 30% GDP của tỉnh.

Là một tỉnh có vị trí địa lý nối liền thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng bắc bộ lên miền núi nên có ảnh hưởng rất tích cực tới sự giao lưu thông thương giữa các vùng miền. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội đã kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó tệ nạn sử dụng ma túy ngày càng trở nên nhức nhối, gây hiểm họa cho nhiều gia đình và xã hội.

Theo kết quả điều tra người nghiện năm 2013 toàn tỉnh có 2.235 người nghiện ma tuý, 1.346 người quản lý sau cai nghiện ở xã, phường, thị trấn. Đa số người nghiện đều ở độ tuổi từ 18-35 tuổi và không có nghề nghiệp, không có việc làm cố định.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm thì công tác giải quyết việc làm luôn đặt ra nhiều khó khăn thách thức với các cấp, các ngành của tỉnh Hoà Bình. Mỗi năm toàn tỉnh tạo việc làm cho trên 16 ngàn người, tuy nhiên, chất lượng việc làm chưa cao do chất lượng lao động còn ở mức thấp và giải quyết việc làm tại chỗ vẫn là chủ yếu.

Kể từ năm 2011, thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án Phòng, chống HIV/AIDS khu vực Châu Á tại Việt Nam  (dự án HAARP) liên quan đến các hoạt động hỗ trợ xã hội cho người nghiện chích ma túy, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã triển khai các hoạt động liên quan đến các mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ xã hội cho người nghiện chích ma túy trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm và cho vay vốn; cùng với việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV/AIDS. Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động của dự án, hợp phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma túy và người sau cai tại huyện Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Quỹ tín dụng vi mô đã cho 75 hộ gia đình người nghiện ma túy được vay số vốn 750 triệu đồng để thực hiện dự án ở 3 xã, 1 thị trấn của huyện Mai Châu và 2 phường của thành phố Hòa Bình, bình quân mỗi hộ vay số vốn 10 triệu đồng chủ yếu để sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.

Kết quả các cuộc giám sát cho thấy, quỹ tín dụng vi mô đã giúp cho bản thân người nghiện chích ma túy và người quản lý sau cai có nguồn thu nhập ổn định, có thể tự chủ được cuộc sống của mình, không rơi vào ngưỡng của đói nghèo, đồng thời, tạo điều kiện cho người lạm dụng ma túy, người sau cai nghiện ở cộng đồng tiếp cận và tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, tạo cơ hội bình đẳng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người sau cai và người có HIV.

Sự tích cực vào cuộc của Ban quản lý quỹ tín dụng cấp xã đã đảm bảo đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, tạo được việc làm cho bản thân người nghiện và thành viên trong gia đình họ trong việc phát triển kinh tế hộ, sản xuất kinh doanh có kết quả, hiệu quả. Hầu hết các hộ gia đình vay vốn đều đã trả lãi và nộp tiền tiết kiệm đúng kỳ hạn, cá biệt có những hộ gửi tiền tiết kiệm tăng hơn nhiều lần so với quy định, điển hình như trường hợp anh Nguyễn Đức Thành ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình được vay số vốn 10 triệu đồng, sau 6 tháng ngoài số tiền lãi đã nộp anh đã gửi số tiền tiết kiệm lên tới 3 triệu đồng cho BQL dự án. Thống kê đến nay cho thấy, nhiều hộ gia đình và bản thân người vay vốn ở huyện Mai Châu và TP Hòa Bình từ hoàn cảnh khó khăn đã dần ổn định cuộc sống, vươn lên, được nhân dân trong xóm, xã ghi nhận và tiếp tục động viên để họ vươn lên, không mặc cảm xa lánh cộng đồng, tạo được niềm tin, tinh thần phấn khởi và yên tâm hoà nhập cộng đồng, tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào của địa phương, làng xóm; tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ nhóm để gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sinh hoạt và lao động sản xuất, trong phong trào văn hóa thể thao, được chính quyền địa phương biểu dương, ghi nhận v.v...

Điểm sáng trong hoạt động vay vốn quỹ tín dụng vi mô ở TP Hòa Bình tới nay đã có 15 người được xét chọn để điều trị Methadone, 12 người đã từ bỏ được ma túy trong tổng số 40 người được vay vốn. Chưa có trường hợp nào có nguy cơ mất vốn, một số thu nhập ổn định bình quân mức 150 ngàn đồng/ngày, 1,5 – 2 triệu đồng/tháng; một số người rất tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng mỗi tháng 2 kỳ tại Câu lạc bộ “Sao đổi ngôi” ở phường Chăm Mát đã cùng nhau hùn vốn, góp sức để thành lập nhóm thợ xây dựng, nhóm rửa xe máy ô tô và đã được chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ và trợ giúp về địa điểm, phương tiện máy móc, thiết bị lao động sản xuất.

Nguyện vọng chính đáng và thiết tha của rất nhiều nghiện chích ma túy ở Hòa Bình hiện nay đang điều trị, chữa bệnh hoặc uống thuốc Methadone và người sau cai ở cộng đồng đó là tiếp tục được vay vốn để có điều kiện sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân tránh tái nghiện, tái phạm.

Kế hoạch năm 2014, cùng với 2 tỉnh thực hiện dự án là Tuyên Quang và Bắc Kạn, tỉnh Hòa Bình mong được Ban quản lý dự án trung ương và nhà tài trợ quan tâm tiếp tục duy trì quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện và người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng và để phát huy hơn nữa hiệu quả của dự án, xin kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho tỉnh để đảm bảo đủ đơn vị vốn tự vận hành ở mỗi đơn vị huyện, thành phố có số vốn tối thiểu 500 triệu đồng.

2. Ban hành cơ chế cho vay và quản lý vốn thống nhất, trong đó nên quy định chung một kỳ hạn cho vay là 36 tháng để đảm bảo các hộ gia đình duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh số cho vay 10 triệu đồng/hộ hoặc từ 30 đến 50 triệu đồng/nhóm hộ; mức lãi suất vốn vay bằng lãi suất ngân hàng chính sách xã hội cùng thời điểm.

3. Triệt để sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả của quỹ, trước hết cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý vốn, BQL dự án các cấp (huyện, xã) phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hộ gia đình vay vốn, trong đó hoạt động thu tiền lãi phải đảm bảo thực hiện thường xuyên, đúng kỳ hạn, đủ số lượng. Tiền lãi phải được phân phối và sử dụng theo đúng quy định sau khi đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro và gửi tại ngân hàng. Vốn đến hạn phải được thu hồi đầy đủ về BQL để có kế hoạch cho chu kỳ tiếp theo, trong đó ưu tiên đối với những hộ gia đình khó khăn, có nhu cầu và phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, quản lý vốn tốt đồng thời kiên quyết không thực hiện cho vay chu kỳ tiếp theo đối với những đơn vị quản lý vốn yếu kém, những hộ gia đình chây ỳ, chậm hoặc không trả lãi hàng tháng.

Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện chính ma túy, hay nói một cách khác là cho người nghiện vay vốn để làm ăn là một cách làm mới mang tính đột phá và chưa có tiền lệ. Kết quả thực hiện dự  án ở các địa phương tuy chưa đạt được hiệu quả đồng đều như nhau, nhưng bản thân nó cùng với các chương trình can thiệp giảm hại khác thì những lợi ích xã hội mà nguồn vốn mang lại có ý nghĩa rất đáng ghi nhận, bước đầu đã tạo dựng niềm tin của người nghiện chích ma túy vào sự trợ giúp của nhà nước và chính quyền địa phương, giảm kỳ thị phân biệt đối xử của nhiều người giúp họ có quyết tâm cao để “Sửa chữa lại lỗi lầm của cuộc đời” chung sức với gia đình để nuôi dạy con cái, sớm hòa nhập cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần vào sự ổn định và trật tự an toàn ở mỗi địa phương./.

Hồng Vũ - Chi cục PCTNXH Hòa Bình