Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí Ngày đăng: 30/06/2017
Ngày 30⁄6⁄2017, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH⁄ Chi cục PCTNXH, một số nhóm tự lực, câu lạc bộ của 4 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thừa Thiên- Huế, Cần Thơ. Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập chủ trì Hội thảo.

Người lao động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, đặc biệt các cơ sở dịch vụ dễ phát sinh mại dâm thường có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV, các vấn đề liên quan đến bạo lực. Họ thường bị trả lương thấp hoặc không trả lương cố định, giữ lương, hạn chế đi lại, không ký hợp đồng lao động rõ ràng và không được cung cấp các phúc lợi khác ngoài lương, điều kiện làm việc ngặt nghèo đang là những vấn đề mà người lao động phải đối mặt, có thể tác động tới sự an toàn và sức khỏe của họ.

Hỗ trợ xã hội và giảm tác hại cho những người lao động giải trí, bao gồm những người làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, là một cách tiếp cận nhân văn và dựa trên quyền con người mà chính phủ Việt Nam cam kết và đang thúc đẩy. Trong đó, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã nhấn mạnh các giải pháp mang tính xã hội trong việc giải quyết vấn đề mại dâm ở Việt Nam, trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo quyền, an toàn và sức khoẻ của người lao động; phòng, chống bạo lực và lây nhiễm HIV/AIDS thông qua các can thiệp, các mô hình sẽ triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã triển khai thí điểm Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thừa Thiên- Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thí điểm mô hình trên, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam xây dựng Tài liệu Hướng dẫn đảm bảo quyền cho người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ. Dự thảo nội dung gồm 2 chương: chương 1 giới thiệu nhận thức chung về quyền và đảm bảo quyền, trong đó chú trọng đến các quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp, các văn bản Luật; Chương 2 là một số biện pháp can thiệp nhằm dảm bảo quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo tập trung nghiên cứu, góp ý tài liệu một cách cụ thể về bố cục, nội dung, các thuật ngữ, cũng như về tính bao quát, tính khả thi, tính thực tiễn của tài liệu. Ban soạn thảo Tài liệu tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện, sớm ban hành triển khai./.

TM