Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán làm việc tại tỉnh Gia Lai Ngày đăng: 29/06/2017
Ngày 28⁄6⁄2017, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại tỉnh Gia Lai. Tham gia đoàn công tác có đại diện Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở LĐTBXH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh  đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện; đã tổ chức 03 đợt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở lưu trú: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke, masage, …kiểm tra 32 cơ sở; đề nghị xử phạt hành chính 02 cơ sở với số tiền là 4,5 triệu đồng; yêu cầu 02 cơ sở dừng hoạt động kinh doanh karaoke trong thời gian đang chờ các cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh; Yêu cầu 17 cơ sở khắc phục những thiếu sót (về thủ tục hành chính) trong hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tệ nạn xã hội Công an toàn tỉnh  đã đấu tranh triệt phá 03 tụ điểm chứa mại dâm và môi giới mại dâm, bắt 10 đối tượng chủ chứa và môi giới; khởi tố 03 vụ/03 đối tượng, xử lý hành chính 07 đối tượng. Tổng số tiền phạt là : 3.300.000 đồng.

Các địa bàn hoạt động mại dâm tập trung chủ yếu tại địa bàn: thành phố Pleiku và thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa. Hiện nay một số địa bàn vùng sâu, vùng xa đang có dấu hiệu hoạt động mại dâm như: Huyện Ia Grai, Krông Pa.

Ngành lao động TB&XH đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Xây dựng thử nghiệm mô hình: Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và mô hình về phòng, chống tệ nạn mại dâm và mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm HIV trên địa bàn Thành phố Pleiku, Thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa triển khai trong năm 2017.

Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm: trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số xã, phường, thị trấn không có tệ mại dâm là: 28/222 xã phường, thị trấn. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Vẫn còn tụ điểm mại dâm chưa được triệt phá dứt điểm; một số người bán dâm sau khi bị xử lý hành chính vẫn tiếp tục tái phạm. Công tác quản lý, giúp đỡ người bán dâm trở về với cộng đồng còn nhiều khó khăn; công tác thanh, kiểm tra, đấu tranh, đấu tranh triệt phá, truy quét tuy đã được đẩy mạnh song vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng của tệ nạn mại dâm. Công tác quản lý nhân hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả tối đa trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm. Sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, chưa xác định rõ trách nhiệm phòng, chống tệ nạn mại dâm là của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân mà còn coi đó là trách nhiệm của lực lượng công an là chính. Công tác tuyên truyền về pháp luật phòng, chống mại dâm ở một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; có nơi còn mang tính hình thức.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật phòng, chống  mại dâm để thay thế Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Theo đó bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm.

Để khắc phục đối tượng bán dâm lợi dụng tính nhân đạo của pháp luật  khi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết 24/2012/QH13 của Quốc hội được ban hành, người bán dâm không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường và không đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà chỉ phạt hành chính, đề nghị có biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể về triển khai Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và mô hình về phòng, chống tệ nạn mại dâm và mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm HIV giai đoạn 2016-2020.

Viết Tú