Cần tháo gỡ những khó khăn, bất cập của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện phục hồi Ngày đăng: 31/05/2017
Ngày 31⁄5⁄2017, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo với các Bộ, ngành có liên quan nhằm triển khai Nghị quyết số 30⁄NQ-CP ngày 07⁄3⁄2017 của Chính phủ, trong đó chỉ đạo Bộ LĐTBXH nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy và Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Khoa giáo Văn xã (VPCP), Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an), Thanh tra Bộ y tế, Cục Phòng, chống HIV⁄AIDS (Bộ Y tế), Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ các vấn đề xã hội (Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội), Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐTBXH) và lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng thuộc Cục PCTNXH.

Nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, đồng chí Lê Văn Khánh- Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, thực tiễn triển khai quy định của pháp luật về cai nghiện và quản lý người nghiện có nhiều vướng mắc do những quy định tại Luật không còn phù hợp với thực tiễn và quan điểm mới về công tác cai nghiện, hơn nữa, việc không thống nhất giữa một số quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống ma túy cũng gây khó khăn, lúng túng cho cấp cơ sở khi thực hiện. Nổi bật lên là 5 vấn đề:

Đồng chí Lê Văn Khánh- Phó Cục trưởng Cục PCTNXH chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc tại Hội thảo

Thứ nhất,về quản lý sau cai nghiện, Điều 33 Luật, Phòng chống ma túy sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định người chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc phải thực hiện quản lý sau cai từ 1- 2 năm. Trường hợp đối với người có nguy cơ tái nghiện cao thực hiện quản lý sau cai tại Trung tâm. Những người không có nguy cơ tái nghiện thì quản lý sau cai tại cộng đồng. Trong khi đó, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định, người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Trung tâm thì Giám đốc Trung tâm ra Quyết định chuyển về cấp xã để quản lý. Chính vì vậy, gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện.

Thứ hai, vấn đề cai nghiện cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, khoản 1, Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Và thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với nhóm này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và thẩm quyền quyết định là Tòa án nhân dân cấp huyện.

Thứ 3, về cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng đối với những người không tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thực tế, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất vất vả, tốn kém nhưng hiệu quả không cao, hầu hết sau khi cắt cơn xong lại tái và không còn phù hợp với Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người.

Thứ tư, Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải chứng minh tình trạng nghiện hiện tại. Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn để chứng minh tình trạng nghiện. Năm 2007, Bộ Y tế có Quyết định 5057/QĐ- BYT hướng dẫn về xác định tình trạng nghiện chất dạng thuốc phiện. Sau đó, có Quyết định 3556/QĐ- BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần cho người sử dụng chất dạng amphetamine. Năm 2015, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an ba hành Thông tư số 17/2017/TTLT -BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 về thẩm quyền, quy trình xác định tình trạng nghiện chất dạng thuốc phiện và chất dạng Amphetamine. Tuy nhiên, trong tất cả các hướng dẫn đều đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán về lâm sàng và xét nghiệm. Về xét nghiệm phải dương tính với ma túy. Còn về lâm sàng phải có đầy đủ 3 trong 6 triệu chứng. Mà những triệu trứng đó phải hỏi người sử dụng ma túy và họ phải trả lời đúng thì mới xác định được. Thực tế, những người thuộc diện đi cai nghiện bắt buộc họ không hợp tác, cố tình trả lời sai nên không đủ các triệu chứng theo tiêu chuẩn để xác định tình trạng nghiện. Việc xác định tình trạng nghiện cần có thời gian tạm giữ từ 3-5 ngày để xác định hội chứng cai nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ có thể tạm giữ tối đa 24h.

Thứ năm, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định người nghiện ma túy đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối với người không có nơi cư trú nhất định, việc xác định rất khó khăn, vì không có tiêu chí xác định thế nào là “nơi ở ổn định, thường xuyên đi lang thang”. Hơn nữa, Trong thời gian 15 ngày làm việc nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì chuyển người đó về nơi cư trú để lập hồ sơ; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nghị định không quy định trong thời gian xác định nơi cư trú (15 ngày kể từ ngày vi phạm) thì quản lý người vi phạm như thế nào. Điều 131, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về quản lý trong thời gian lập hồ sơ, đối với người có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý, đối với người không có nơi cư trú nhất định giao cho các tổ chức xã hội quản lý. Trong thời gian quản lý, người nghiện xuất hiện hội chứng cai, gia đình và xã hội không có chuyên môn để quản lý đối tượng này. Giải quyết vấn đề này, Nghị quyết 77 của Quốc hội cho phép đưa vào cao sở xã hội để quản lý trong thời gian làm hồ sơ xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế tại các địa phương khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa vào cơ sở xã hội để quản lý và tiến hành xác định nơi cư trú. Nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì trả đối tượng về nơi cư trú để quản lý giáo dục theo quy định.

Cần thiết phải sửa đổi để tháo gỡ khó khăn

Đồng chí Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, Bộ LĐTBXH được giao quản lý Nhà nước về vấn đề cai nghiện phục hồi, mà vấn đề này được quy định trong rất nhiều văn bản, nhưng chủ yếu là trong 2 Luật là Luật phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật phòng, chống ma túy do Bộ Công an chủ trì, Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư Pháp. Thực tế triển khai 2 luật thấy có nhiều khó khăn, bất cập. Trước tình hình đó, Chính phủ giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về công tác quản lý người nghiện. Vấn đề là Nghị quyết của Quốc hội có xử lý được những vướng mắc nêu trên hay không, hay báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp tổng kết, đánh giá việc thi hành 2 Luật, từ đó báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi Luật.

Về Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều Nghị định, hiện tại Bộ LĐTBXH đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ Nghị định quy định về cai nghiện tự nguyện trong tháng 6/2017. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 27/12/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thay thế Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ); Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay đều nằm tại 2 Luật, vì vậy, việc xây dựng Nghị định không giải quyết được.

Về vấn đề này, thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, có những vấn đề bất cập giữa Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính. Nhưng phải hiểu rằng, những bất cập trong thực tiễn do khi thực hiện có những nhận thức, quan điểm cách làm khác nhau dẫn đến bất cập chứ không phải là do Luật ban hành chưa phù hợp. Hơn nữa, 2 Luật được ban hành ở hai thời điểm khác nhau nhưng lại cùng điều chỉnh một vấn đề nên có sự không thống nhất. Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép thực hiện một mô hình mới thực tiễn đang đặt ra mà Luật chưa cho phép hoặc Nghị quyết để tạm ngừng hoặc kéo dài một số điều Luật. Vì vậy, đề  nghị các đồng chí đại diện các Bộ, ngành cho ý kiến xem chúng ta có cần thiết phải xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội hay không? Về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế một số Nghị định khác: chúng ta đều biết, Nghị định không thể trái luật nên sửa Nghị định mà Luật vẫn vậy thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Chia sẻ tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều thống nhất những vấn đề vướng mắc, bất cập mà Bộ LĐTBXH đã trình bày cần phải được giải quyết để tháo gỡ những khó khăn trong công tác điều trị, cai nghiện hiện nay. Nếu cần thiết đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết giải quyết một số vấn đề cấp bách trong công tác điều trị, cai nghiện hiện nay.

Đồng chí Đinh Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề là các Bộ, ngành phải phối hợp, tìm ra những vấn đề vướng nhất cần Nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ.  Nghị quyết của Quốc hội không thể giải quyết hết tất cả những vấn đề đã nêu. Nghị quyết của Quốc hội chỉ giải quyết những vấn đề thực sự bức xúc, mang tính phổ quát rộng.

Theo đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay là việc xác định tình trạng nghiện. Khi chưa thể sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể xây dựng Nghị quyết quy định về quy trình cụ thể xác định tình trạng nghiện. 

Ông Đoàn Hữu Bảy- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo- Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên từ thực tiễn của địa phương, việc sửa luật lại mất nhiều thời gian. Trong khi chưa sửa được Luật, đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xem xét, việc xây dựng Nghị quyết có cần thiết hay không. Nếu cần thì triển khai thực hiện còn nếu chưa cần thì phải phối hợp để đẩy nhanh quá trình sửa Luật. Theo ông Đoàn Hữu Bẩy, nếu xây dựng Nghị quyết, quan trọng nhất phải đưa vào là thống nhất quan điểm về vấn đề người nghiện ma túy là người bệnh hay tệ nạn xã hội. Điều này sẽ dẫn đến điều chỉnh một loạt hệ thống pháp luật liên quan đến ma túy.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Cục PCTNXH nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc, tác động trên phạm vi rộng và phải dựa trên các căn cứ, bằng chứng thực tiễn để xin ý kiến đề xuất có nên hay không xây dựng Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ./.

K.H