Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ Chính phủ Ấn Độ và các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tìm hiểu về dịch vụ điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tại Việt Nam Ngày đăng: 08/05/2017
Ngày 8⁄5⁄2017, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm việc với đoàn cán bộ Chính phủ Ấn Độ và các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu về dịch vụ điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tại Việt Nam. Đoàn do ông Panda, Thứ trưởng, Chủ tịch Cơ quan Phòng, chống HIV⁄AIDS Quốc gia (NACO), Chính phủ Ấn Độ làm trưởng đoàn, cùng tham gia có đại diện Sở Y tế, Giám đốc dự án Hiệp hội phòng chống HIV⁄AIDS tỉnh Manipur, Mizoram, Nagaland, chuyên gia Y tế cộng đồng, CDC, cán bộ tổ chức FHI 360 Ấn Độ.

Làm việc với đoàn về phía Việt Nam có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng và đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Trao đổi với đoàn đại biểu Ấn Độ, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, ở Việt Nam, tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Hiện nay, Việt Nam có 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, số người nghiện thực tế còn cao hơn do bản thân một số người nghiện và gia đình không muốn khai báo tình trạng nghiện.

Người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, sử dụng ma túy tổng hợp gây ảnh hưởng đến tâm thần, không kiểm soát được hành vi, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến loạn thần, giết người.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng 2 biện pháp là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Trước đây, đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, hiện nay, việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân cấp huyện quyết định. Về cai nghiện tự nguyện, bản thân người nghiện và gia đình họ tự đăng ký cai nghiện tự nguyện thông qua 1 hợp đồng dân sự.

Từ năm 2013, Việt Nam thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại Trung tâm theo hướng giảm dần, tiến tới điều trị tự nguyện tại cộng đồng là chủ yếu. Quan điểm, tư duy mới đối với nghiện ma túy và điều trị, cai nghiện ma túy đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghiện hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành Khung chương trình đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma túy ở 4 mức độ, việc xây dựng tài liệu này có sự giúp đỡ rất lớn của tổ chức SCDI, SHAMSHA, CDC, UNODC, COLOMBOPLAN, trong thời gian tới sẽ tiến hành đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện theo chương trình này.

Với sự hỗ trợ của SHAMSHA, Việt Nam đang xây dựng thí điểm mô hình Tòa ma túy. Tăng cường huy động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác điều trị, cai nghiện ma túy ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn như: Người sử dụng ma túy bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần, họ không tự giác khai báo nên việc điều trị gặp khó khăn. Một số người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone nhưng họ vẫn dùng các loại ma túy khác như heroin, ma túy tổng hợp. Số người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng và hiện chưa có phác đồ điều trị.

Tại buổi tiếp, đại diện cơ quan phòng, chống ma túy và cai nghiện phục hồi hai nước đều nhận thấy sự trao đổi kinh nghiệm về điều trị, phục hồi 2 nước là rất cần thiết để tăng cường công tác điều trị cho người nghiện, đồng thời giúp cơ quan phòng chống tệ nạn ma túy có cái nhìn toàn diện hơn trong hoạch định chính sách về phòng chống ma túy của mỗi nước hiện nay./.

T. M